Bạn đang theo dõi bài viết Ngành Truyền thông đa phương tiện là gì? Xu hướng việc làm tại ivntalent.edu.vnBạn có thể truy cập nhanh bằng mục lục của bài viết để có thể xem thông tin mình cần nhanh chóng nhất nhé.
Ngành truyền thông từ trước đến nay đã có nhiều bước chuyển đổi lớn song song với sự phát triển của công nghệ thông tin. Đặc biệt là sự có mặt của công nghệ kỹ thuật số đã thay đổi cách thức truyền thông của con người từ truyền thống đến hiện đại. Điều này dẫn đến ngành truyền thông đa phương tiện ngày càng được nhiều người quan tâm và theo đuổi. Vậy nếu bạn muốn biết rõ ngành Truyền thông đa phương tiện là gì và xu hướng làm việc thì hãy đọc qua bài viết này nhé!
I. Ngành Truyền thông đa phương tiện là gì?
Ngành truyền thông đa phương tiện (tên tiếng Anh: Multimedia Communication) là ngành học những kiến thức liên quan đến việc hiển thị thông tin ở nhiều dạng, bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đây là ngành kết hợp giữa tư duy truyền thông báo chí và công nghệ thông tin để tạo ra những sản phẩm truyền thông sáng tạo trên đa dạng các phương tiện truyền thông.
Sinh viên ngành Truyền thông đa phương tiện thường sẽ được học về hai chuyên ngành nhỏ hơn là Truyền thông báo chí đa phương tiện và Truyền thông thiết kế đa phương tiện. Từ đó phát triển hơn những kỹ năng như tư duy sáng tạo, Content Marketing, thiết kế hình ảnh, âm thanh, video,…
Tin tuyển dụng có thể bạn quan tâm – việc làm Marketing:
– Nhân viên Digital Marketing
– Chuyên viên Marketing Thế Giới Di Động
II. Phân biệt ngành Truyền thông đa phương tiện với ngành Quan hệ công chúng
Giống nhau
Nhờ vào tính phổ biến và lan truyền, cả hai ngành đều trở thành những công cụ được sử dụng nhiều nhất. Ngành truyền thông có những công cụ PR hiệu quả nhất như: báo chí, mạng xã hội, các định dạng content đa phương tiện (video, hình ảnh, voice,…). Còn Quan hệ công chúng (PR) thường được sử dụng ở một hoặc nhiều giai đoạn khác nhau trong chiến lược truyền thông tổng thể. Ví dụ, ở giai đoạn nhận biết và ghi nhớ, PR sẽ được dùng để nâng cao hình ảnh và độ nhận diện của thương hiệu. Nhưng khi bước vào giai đoạn push sales, doanh nghiệp có thể sẽ không tập trung cho PR như các giai đoạn trước đó.
Điểm tương đồng thứ hai là về cơ hội việc làm của ngành quan hệ công chúng và truyền thông. Cơ hội làm việc cả hai ngành đều rất rộng mở, thay vì bó hẹp trong một lĩnh vực cụ thể, bạn có thể làm nhiều mảng khác nhau tùy theo sở thích và mong muốn.
Khác nhau
Mục đích sử dụng của mỗi công cụ chính là điểm khác biệt lớn nhất giữa hai ngành này. Nếu quan hệ công chúng là xây dựng hình ảnh với những characters (tính cách, đặc điểm) nhất định cho nhãn hàng hay tổ chức thì truyền thông có mục đích là lan truyền thông tin. Những công cụ này được sử dụng với những mục đích khác nhau tùy theo từng chiến dịch cụ thể, từng ngành hàng, từng nhóm công chúng mà doanh nghiệp hướng đến.
III. Xu hướng học của ngành Truyền thông đa phương tiện
1. Chuyên ngành Quảng cáo
Dù trong thời đại nào thì quảng cáo cũng là một công cụ truyền thông rất hiệu quả, được các nhãn hàng, công ty lớn lựa chọn để quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Chắc hẳn bạn đã từng xem qua rất nhiều đoạn video quảng cáo trên tivi, Youtube, Facebook và không ít lần cảm thấy hứng thú với sự sáng tạo, thú vị của nó.
Và đó cũng chính là lý do thúc đẩy nhiều bạn trẻ năng động, sáng tạo muốn theo đuổi chuyên ngành quảng cáo. Trong thời hiện đại, quảng cáo không chỉ được thực hiện theo cách truyền thống trên tivi, báo giấy mà còn kết hợp với công nghệ kỹ thuật số để tạo ra các sản phẩm vô cùng ấn tượng.
2. Chuyên ngành Công nghệ Quảng cáo Kỹ thuật số
Đối với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được học chuyên sâu về hình thức quảng cáo kỹ thuật số và các công cụ kỹ thuật số như Adobe Experience Cloud, công nghệ thực tế tăng cường (AR) và thực tế ảo (VR). Đồng thời sinh viên cũng sẽ được học về cách hoạt động của quảng cáo kỹ thuật số trên các phương tiện truyền thông xã hội, tiếp thị đa kênh và các kỹ năng tạo nội dung video, âm thanh từ cơ bản đến nâng cao tùy nhu cầu người học.
3. Chuyên ngành Truyền thông Mạng xã hội (Social Media)
Truyền thông mạng xã hội hay Social Media có lẽ đã quá quen thuộc với không chỉ giới trẻ “rành” công nghệ mà với toàn bộ thế hệ từ già đến trẻ. Nó không chỉ là không gian ảo để bạn bè, người thân chia sẻ thông tin, liên lạc với nhau mà còn là một phương thức để doanh nghiệp tương tác hai chiều với khách hàng của mình.
Làm việc trong ngành này, bạn sẽ được tiếp cận với rất nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau và cách truyền thông trên các nền tảng đó một cách hiệu quả. Đây cũng là một ngành có sự thay đổi không ngừng và cập nhật liên tục nên đòi hỏi bạn phải luôn sẵn sàng tiếp cận và tiếp thu kiến thức của các nền tảng mới.
4. Chuyên ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng
Ngành Truyền thông và Quan hệ công chúng là một ngành khá tổng quan, sinh viên sẽ được học về cả truyền thông và quan hệ công chúng. Truyền thông hay truyền thông xúc tiến là một trong 4 thành phần chính của Marketing, bao gồm: sản phẩm, giá cả, phân phối, truyền thông xúc tiến.
Truyền thông thực hiện chức năng truyền tải thông tin và thuyết phục khách hàng. Còn Quan hệ công chúng hay PR là một trong những công cụ của truyền thông xúc tiến. Nó có chức năng quản lý, đánh giá thái độ của cộng đồng và xây dựng hình ảnh tích cực của công ty trong mắt công chúng.
Khi học chuyên ngành này, sinh viên sẽ được phát triển các kỹ năng về các công cụ truyền thông, tổ chức sự kiện, viết báo, quản lý dự án truyền thông, quản lý khủng hoảng,… Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm rất đa dạng trong cả ngành truyền thông và quan hệ công chúng như chuyên viên tổ chức sự kiện, quản lý ngôi sao nổi tiếng, nhân viên truyền thông Marketing, nhân viên PR,…
5. Chuyên ngành Công nghiệp Truyền thông
Ngành truyền thông nói chung và các công cụ truyền thông hiện nay vô cùng đa dạng. Trong chuyên ngành này, sinh viên sẽ được học cách hoạt động của phương tiện truyền thông trên nhiều nền tảng và định dạng khác nhau.
Bên cạnh đó, sinh viên cũng được tìm hiểu cách các phương tiện truyền thông được sản xuất và sử dụng trên quy mô toàn cầu. Khi đã nắm rõ sự hình thành, đặc điểm của từng công cụ thì bạn sẽ có thể tận dụng nó tốt hơn cho mục đích truyền thông của mình. Do đó, sau khi ra trường bạn có thể xin vào rất nhiều vị trí khác nhau trong ngành.
6. Chuyên ngành Nghiên cứu Điện ảnh và Màn hình
Đây là một ngành khá mới lạ, nó tập trung khám phá về công nghệ màn hình tương tác với người xem, nghiên cứu về truyền hình truyền thống và phong cách sản xuất của các thể loại phim và chương trình truyền hình khác nhau. Ngành này sẽ giúp cho các bạn muốn làm việc trong các chương trình truyền hình thực tế, gameshow, quay TVC quảng cáo,…
7. Chuyên ngành Trò chơi và Tương tác
Game online trên máy tính, điện thoại đã trở nên vô cùng phổ biến với đối tượng giới trẻ và học sinh. Đó cũng là một điểm chạm để các nhãn hàng quảng cáo, truyền thông đến đối tượng khách hàng trẻ. Sinh viên học chuyên ngành này sẽ được khám phá vai trò của trò chơi trong xã hội hiện đại. Từ đó các bạn có thể phát triển nó thành một công cụ truyền thông sáng tạo, văn hóa và giải trí giá trị.
Sinh viên cũng sẽ được phát triển các kỹ năng thực tế, nghiên cứu và thử nghiệm các trò chơi rất thú vị. Công nghệ game hiện nay đang ngày càng phát triển tại Việt Nam, thu hút được lượng người chơi và quan tâm vô cùng lớn.
8. Chuyên ngành Nghiên cứu Truyền thông
Đối với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được nghiên cứu kỹ về sự hình thành, phát triển của truyền thông và các vấn đề tranh luận, tin tức thời sự, khủng hoảng về truyền thông. Một số vấn đề nổi bật có thể kể đến quyền sở hữu phương tiện truyền thông, các chính sách và quy định giới truyền thông, khủng hoảng truyền thông của các tập đoàn lớn.
Sinh viên cũng sẽ được học cách xử lý những vấn đề truyền thông và cách truyền tải những thông điệp nhằm hướng sự chú ý, suy nghĩ của các đối tượng ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Sinh viên ngành này khi ra trường có thể làm việc tại phòng PR của các doanh nghiệp để giữ vai trò xử lý khủng hoảng truyền thông, giúp công chúng có cái nhìn tốt về doanh nghiệp.
9. Chuyên ngành Phương tiện Truyền thông Thể thao
Các chương trình thể thao nhất là bóng đá thường nhận được sự quan tâm và theo dõi của rất nhiều khán giả trên cả nước. Khi học chuyên ngành này, sinh viên sẽ được học cách truyền thông cho một chương trình thể thao, được hoàn thiện kỹ năng ghi âm và kỹ thuật phỏng vấn của mình. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên sẽ được trang bị các kỹ năng, kiến thức và sự tự tin để làm việc trong lĩnh vực báo chí, truyền thông thể thao hoặc bình luận viên thể thao,…
10. Chuyên ngành Viết và Chỉnh sửa chuyên nghiệp
Nội dung là phần cốt lõi của mọi chương trình, chiến dịch truyền thông và nó có tác động trực tiếp đến cảm xúc, tâm lý của khán giả. Khi học chuyên ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo kỹ năng viết, biên tập nội dung cho các sản phẩm truyền thông từ nhỏ đến lớn, với mục tiêu là tạo sức ảnh hưởng lớn đến đối tượng mục tiêu. Đồng thời, sinh viên cũng sẽ được trau dồi cách làm việc trong môi trường chuyên nghiệp, nâng cao sự hiểu biết về luật và quy định của ngành.
11. Chuyên ngành Văn học Sáng tạo
Kỹ năng sáng tạo là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong ngành truyền thông. Với chuyên ngành này, sinh viên sẽ được hoàn thiện khả năng viết và sáng tạo của mình. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được cung cấp tầm nhìn mở rộng về văn học và lối suy nghĩ hoàn toàn mới để có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật thú vị, táo bạo và sáng tạo.
12. Chuyên ngành Báo chí
Báo chí đã và đang là công cụ truyền thông và PR rất hiệu quả, hiện nay báo điện tử đã trở nên phổ biến và dần thay thế báo giấy. Sinh viên chuyên ngành này sẽ được học các kỹ năng viết, điều tra, nghiên cứu, phỏng vấn và biên tập. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được trang bị đầy đủ kiến thức về khuôn khổ xã hội, lịch sử, luật pháp và đạo đức. Khi ra trường, bạn có thể xin vào các tòa báo lớn để làm việc.
IV. Tại sao chọn học ngành Truyền thông Đa phương tiện?
– Ngành học hiện đại, hợp xu thế: Sự phát triển của nền công nghệ thông tin và kỹ thuật số đã kéo theo những bước tiến trong ngành truyền thông nói chung và ngành truyền thông đa phương tiện nói riêng. Và sự phát triển đó chưa có dấu hiệu dừng lại mà ngày càng mở rộng, được nhiều người biết đến và có chỗ đứng trong xã hội.
– Cơ hội việc làm rất hấp dẫn, đa dạng: Với tính chất đa dạng, mới mẻ, ngành Truyền thông đa phương tiện cung cấp rất nhiều cơ hội việc làm cho các bạn trẻ năng động, sáng tạo. Hiện nay, nguồn nhân lực chuyên môn trong lĩnh vực này cũng đang thiếu hụt. Do đó, nếu các bạn trẻ quyết tâm theo đuổi và được đào tạo chuyên môn bài bản thì cơ hội tìm được việc làm sẽ rất cao.
– Thời gian làm việc linh hoạt: Khác với các ngành nghề khác, truyền thông và Marketing là hai ngành không quá gò bó và bắt buộc nhân viên phải theo đúng khuôn khổ vì như thế có thể sẽ kìm hãm sự sáng tạo. Vì vậy, trong rất nhiều công ty truyền thông, bạn sẽ được linh động về thời gian, phong cách ăn mặc và cả không gian làm việc. Tuy nhiên, linh động không có nghĩa là tự do hoàn toàn theo ý mình nhưng vẫn phải đảm bảo chất lượng và hiệu quả công việc, không được làm trễ tiến độ chung.
– Giúp đời sống tinh thần phong phú: Dù bạn vừa bước chân vào ngành này hoặc đã làm lâu dài thì bạn vẫn sẽ luôn cảm thấy tươi mới, không nhàm chán. Bởi vì thế giới luôn thay đổi, cải tiến và các phương tiện truyền thông cũng thế, nó khiến bạn luôn tìm tòi những điều mới lạ và có được nguồn cảm hứng sáng tạo từ mọi vật xung quanh. Vì vậy, nó khiến cho tinh thần của bạn được phong phú và nhiều màu sắc.
– Khả năng thăng tiến cao: Ngành Truyền thông đa phương tiện cũng giống như nhiều ngành khác có sự phân chia cấp bậc rõ ràng. Nếu bạn có năng lực cao, sự nhạy bén kèm kinh nghiệm thực chiến thì có thể được thăng tiến nhanh. Nhưng để đạt được điều đó thì bạn cần nỗ lực nhiều hơn, dành thời gian cập nhật kiến thức, rèn luyện kỹ năng chuyên môn và kỹ năng mềm để phát triển bản thân.
– Công việc “xuyên biên giới”: Một ưu điểm của ngành truyền thông đa phương tiện đó là bạn có thể làm việc online “xuyên biên giới”. Thông qua các kênh online, bạn có thể dễ dàng tìm được các công việc ở bất cứ đâu, kể cả nước ngoài nếu bạn đủ năng lực chuyên môn và giỏi tiếng Anh. Do đó, hãy trau dồi kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ nếu muốn mở rộng cơ hội cho mình bạn nhé.
V. Tố chất phù hợp với ngành Truyền thông Đa phương tiện
– Sáng tạo và mới mẻ: Thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt dẫn đến các nhãn hàng đều muốn sản phẩm truyền thông của mình thật độc đáo, sáng tạo và mới lạ. Do đó, nếu bạn muốn theo đuổi nghiêm túc ngành Truyền thông đa phương tiện thì phải có óc sáng tạo tốt, nhạy bén và sẵn sàng tiếp thu cái mới.
– Khả năng viết lách và thẩm mỹ: Người làm truyền thông phải rèn luyện kỹ năng viết vì nó rất quan trọng trong nhiều công việc như xây dựng nội dung website, video, biên tập nội dung ấn phẩm báo chí,… Bên cạnh đó, khiếu thẩm mỹ cũng đóng vai trò quan trọng không kém vì những sản phẩm truyền thông gắn liền với nghệ thuật. Bạn phải nhạy bén với cái đẹp để đưa ra lựa chọn tốt nhất, có thể thu hút sự chú ý của khách hàng.
– Khả năng biên tập hình ảnh, dựng video: Nếu bạn làm chuyên môn trong mảng design hoặc edit thì kỹ năng chỉnh sửa, dựng hình ảnh, video là yêu cầu cơ bản. Bạn cần cập nhật và nắm bắt các phần mềm thiết kế mới nhất, luyện tập thường xuyên để nâng cao tay nghề. Nếu bạn chỉ làm các công việc khác trong ngành thì cũng nên biết cơ bản kỹ năng này, nó sẽ giúp bạn hợp tác dễ hơn với designer, editor.
– Nắm bắt xu hướng công nghệ mới: Ngành Truyền thông đa phương tiện gắn liền với công nghệ nên khi có một công nghệ mới liên quan đến các phương tiện truyền thông thì bạn cần tìm hiểu và nắm bắt ngay. Điều đó sẽ giúp bạn trở nên nổi bật và tự tin hơn so với các ứng viên khác khi tham gia ứng tuyển. Còn nếu bạn đang làm cho công ty thì những kiến thức mới đó sẽ giúp dự án bạn đang thực hiện có khả năng thành công cao hơn.
– Khả năng ngoại ngữ (tiếng Anh): Khi làm việc trong ngành này, có những dự án lớn từ các công ty nước ngoài, đòi hỏi bạn phải có khả năng giao tiếp, đọc hiểu tiếng Anh để trao đổi công việc và tiếp thu ý kiến từ người khác. Bên cạnh đó, các tài liệu ngành Truyền thông đa phương tiện cũng như các tạp chí chuyên ngành chất lượng hầu hết được viết bằng tiếng Anh. Do đó, hãy trau dồi ngoại ngữ sớm nhất có thể để tăng cơ hội phát triển cho bản thân trong đường dài.
– Chăm chỉ, chịu khó tìm tòi: Đối với truyền thông đa phương tiện thì bạn không cần quá chăm chỉ học lý thuyết. Nhưng cái bạn cần chăm chỉ, tìm tòi đó là kinh nghiệm thực tế từ những chiến dịch truyền thông, case study trong ngành và kiến thức cập nhật mới nhất. Nếu bạn chịu khó học hỏi và tìm ra ưu nhược điểm của các trường hợp đã thành công hoặc thất bại thì vốn kiến thức, kinh nghiệm của bạn sẽ được nâng cao.
– Khả năng tổng hợp, phân tích thông tin nhanh: Trong thời đại công nghệ thông tin và truyền thông phát triển mạnh mẽ thì sự rối loạn thông tin cũng càng nhiều. Mỗi ngày chúng ta phải tiếp thu thụ động và chủ động vô số thông tin từ điện thoại, máy tính, tivi, báo mạng,… Là người làm truyền thông thì bạn cần biết thông tin nào là cần thiết và hữu dụng để chọn lọc, tổng hợp và phân tích nhanh để phục vụ tốt cho công việc của mình.
VI. Triển vọng ngành Truyền thông Đa phương tiện
1. Mức lương của ngành Truyền thông đa phương tiện
Theo một nghiên cứu, mức lương của người làm việc trong ngành Truyền thông đa phương tiện dao động trong khoảng 300 – 1000 USD, tương đương khoảng 6,5 – 23 triệu VNĐ. Sự chênh lệch về mức lương tùy thuộc vào khả năng, kinh nghiệm và vị trí của bạn trong công ty.
Nếu bạn là sinh viên mới ra trường hoặc mới vào nghề chưa có kinh nghiệm thì mức lương nằm trong khoảng 6 – 9 triệu VNĐ/tháng. Nếu bạn đã làm tại cùng vị trí trong 1-2 năm thì mức lương nhận được khoảng 9 – 14 triệu VNĐ/tháng.
Đối với người đã có kinh nghiệm trong ngành trên 3 năm thì mức lương nhận được khá cao khoảng 15-20 triệu/tháng. Ngoài ra, nếu bạn làm thêm các dự án ngoài thì mức thu nhập hàng tháng của bạn sẽ không dừng ở các con số đó.
2. Cơ hội việc làm ngành Truyền thông đa phương tiện
Ngành truyền thông đa phương tiện là một trong những ngành được ứng dụng rộng rãi nhất trong nhiều lĩnh vực khác nhau như quảng cáo, giáo dục, thiết kế, Marketing, PR,… Không những vậy phạm vi công việc trong ngành cũng rất rộng lớn, đa dạng, đem đến nhiều trải nghiệm mới cho giới trẻ.
Những công việc bạn có thể theo đuổi sau khi theo học ngành Truyền thông đa phương tiện là: Chuyên viên truyền thông, Quản trị các kênh truyền thông trực tuyến, Biên tập viên quảng cáo, Chuyên viên tổ chức sự kiện, Chuyên viên marketing trực tuyến, Phóng viên (truyền thông đa phương tiện), Chuyên viên đối ngoại và quan hệ công chúng, Chuyên viên quản lý mạng xã hội, Cán bộ giảng dạy, cán bộ nghiên cứu tại các trường đại học, cao đẳng và viện nghiên cứu, Giám đốc sản xuất, giám đốc sáng tạo, chuyên viên quản trị web,…
VII. Ngành Truyền thông đa phương tiện học những gì?
1. Các phương thức xét tuyển ngành Truyền thông đa phương tiện
Do các trường đại học hiện nay đang dần tự chủ trong việc tuyển sinh cùng mong muốn tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh nên các phương thức xét tuyển cũng đã trở nên đa dạng hơn. Ngành Truyền thông đa phương tiện cũng không là ngoại lệ, các phương thức xét tuyển của ngành là:
– Xét kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT
– Xét học bạ trung học phổ thông theo nhiều hình thức 5 học kỳ, 3 học kỳ hay xét tổng hợp 3 môn lớp 12,…
– Xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực do các Đại học tự tổ chức.
2. Ngành Truyền thông đa phương tiện thi khối nào
Khi đã xác định được hướng đi là theo học ngành truyền thông đa phương tiện thì ngay từ khi còn học cấp 3, bạn nên đầu tư mạnh hơn đối với các môn về: Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh cùng các môn thuộc tổ hợp bạn sẽ đăng kí thi tốt nghiệp. Bởi lẽ, đây không chỉ là những môn thi, xét tuyển đầu vào của các trường đại học, cao đẳng mà còn là cơ sở để bạn phát triển những kỹ năng cần thiết của ngành truyền thông. Ngành Truyền thông Đa phương tiện sẽ có những khối thi như:
A00 (Toán, Vật Lý, Hóa Học)
A01 (Toán,Vật Lý, Tiếng Anh)
C00 (Ngữ Văn, Lịch Sử, Địa Lý)
C01 (Ngữ văn, Toán, Vật lí)
C02 (Ngữ văn, Toán, Hóa học)
C15 (Ngữ văn, Toán, Giáo dục công)
D01 (Ngữ Văn, Toán, Tiếng Anh)
D14 (Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh)
D15 (Ngữ văn, Địa lí, Tiếng Anh)
D78 (Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Anh)
3. Chương trình đào tạo ngành Truyền thông đa phương tiện
Kiến thức giáo dục đại cương: đây sẽ là những môn học chung cho tất cả các ngành, cung cấp những kiến thức căn bản về xã hội, kinh tế, chính trị,… cho sinh viên. Các môn học sẽ bao gồm: Giáo dục quốc phòng – An ninh, Giáo dục thể chất, Những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác – Lênin,…
Kiến thức ngoại ngữ: ngoại ngữ sẽ là hành trang hữu ích cho sinh viên sau khi ra trường, giúp bạn có một công việc với mức lương hấp dẫn. Sinh viên Truyền thông đa phương tiện sẽ học Intensive English (Tiếng Anh chuyên sâu) theo các cấp độ từ A1 đến B2, tùy thuộc chương trình học.
Kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành: những môn học cơ sở ngành sẽ là bước đệm để bạn học các môn chuyên ngành sau này. Kiến thức cơ sở ngành sẽ bao gồm: Cơ sở lý luận truyền thông đại chúng, Ngôn ngữ truyền thông, Toàn cầu hóa truyền thông đại chúng, Cơ sở văn hóa Việt Nam,… Còn môn chuyên ngành sẽ là: Kỹ năng khai thác thông tin trên Internet, Kỹ thuật nhiếp ảnh và ảnh báo chí, Kỹ thuật quay phim, Kỹ năng dẫn chương trình,… Các môn học thuộc nhóm này sẽ có sự khác biệt giữa các trường và các hệ đào tạo. Hiện nay các trường còn tổ chức các lớp học phần tự chọn để sinh viên có thể tiếp cận nhiều lĩnh vực khác nhau theo sở thích và khả năng.
VIII. Các trường đào tạo ngành Truyền thông Đa phương tiện
1. Tại Hà Nội
– Học viện Báo chí – Tuyên truyền: Đây là một trong những trường đào tạo về ngành truyền thông đa phương tiện tốt tại khu vực miền Bắc. Sinh viên khi theo học ngành này sẽ được nâng cao khả năng sáng tạo, tổ chức sản xuất sản phẩm truyền thông đa phương tiện. Bên cạnh đó, sinh viên cũng được đào tạo kỹ về lý thuyết, rèn luyện kỹ năng truyền thông đa phương tiện trong truyền thông xã hội, quản trị website, quản trị chiến dịch truyền thông, tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển truyền thông đa phương tiện ở các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.
– Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông: Đây là đơn vị trực thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, học viện thực hiện hai chức năng cơ bản là giáo dục, đào tạo cho xã hội và cho nhu cầu của Ngành thông tin và truyền thông Việt Nam. Học viện có hệ thống đào tạo nhiều cấp độ, bao gồm: đào tạo bậc Cao đẳng, Đại học, Thạc sĩ và Tiến sĩ theo chương trình chuẩn quốc gia, chuẩn quốc tế theo các hình thức tập trung, phi tập trung, liên thông, đào tạo từ xa… Ngoài ra, học viện cũng có tổ chức các khóa đào tạo bồi dưỡng ngắn hạn có chứng chỉ trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, an toàn thông tin, công nghệ đa phương tiện, bưu chính, viễn thông, …
– Trường Đại học Hà Nội: Đây là một trường đại học được hình thành từ lâu đời, tiền thân là Đại học Ngoại ngữ, xây dựng vào năm 1959. Hiện nay, trường trực thuộc “Làng Đại học Hà Nội”, có chương trình đào tạo chính quy, không chính quy, đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh và liên kết với nước ngoài. Sinh viên theo học ngành Truyền thông đa phương tiện tại đây sẽ được rèn luyện khả năng ngoại ngữ rất tốt, được tiếp cận kiến thức đa dạng và có cơ hội tham gia các chương trình nghiên cứu quốc tế.
2. Tại Thành phố Hồ Chí Minh
– Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng: Là một trường đào tạo quốc tế, cử nhân Truyền thông đa phương tiện sẽ được cập nhật kiến thức nhanh chóng, liên tục về xu hướng phát triển của truyền thông trong thế giới phẳng. Ngoài ra, bạn cũng sẽ được đào tạo các kỹ năng đặc biệt như nhiếp ảnh, truyền hình, báo điện tử, hoạt hình, phim ảnh. Vì là trường quốc tế nên sinh viên sẽ được tiếp xúc nhiều với tiếng Anh nên sẽ nhanh chóng nâng cao khả năng ngoại ngữ. Sau khi ra trường, bạn sẽ có thể làm đa dạng các vị trí trong ngành truyền thông như phóng viên, biên tập viên, người sản xuất chương trình, chuyên viên quảng cáo, chuyên viên tổ chức sự kiện cho các cơ quan, đơn vị kể cả trong và ngoài nước.
– Trường Đại học Công nghệ TP.HCM – HUTECH: Đây là một trường đại học tư thục, chuyên đào tạo các lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật tại TP Hồ Chí Minh. Sinh viên theo học ngành Truyền thông đa phương tiện sẽ được trang bị kiến thức nền tảng về mỹ thuật, công nghệ thông tin, báo chí, truyền thông và quảng cáo. Bên cạnh đó là các kỹ năng liên quan trực tiếp đến ngành nghề như kỹ thuật xử lý hình ảnh, âm thanh, video; kỹ năng tạo ra sản phẩm đồ họa đa phương tiện tương tác như: game, website,…; kỹ năng thiết kế đồ họa. Sinh viên sau khi hoàn thành chương trình học sẽ có đầy đủ những kỹ năng cần thiết phục vụ cho những yêu cầu của nền công nghiệp sáng tạo và giải trí hiện đại.
– Trường Đại học Khoa học Xã hội – Nhân văn TP.HCM: Đây là trường đại học chuyên đào tạo các kiến thức nền tảng về xã hội, lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa và kiến thức chuyên ngành truyền thông. Cử nhân ngành Truyền thông đa phương tiện sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong các công ty truyền thông chuyên nghiệp, các công ty tổ chức sự kiện, các kênh truyền hình, cơ quan báo chí.
Xem thêm:
>> IMC là gì? Những lợi ích, khó khăn và 5 công cụ khi sử dụng IMC
>> Trade Marketing là gì? Cơ hội nghề nghiệp của Trade Marketer
>> Cách viết mục tiêu nghề nghiệp Marketing ấn tượng trong CV xin việc
Hy vọng bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về ngành Truyền thông đa phương tiện và những cơ hội nghề nghiệp của ngành này. Mong rằng nó sẽ giúp bạn phần nào trong con đường theo đuổi ngành truyền thông, Hãy nhớ để lại bình luận và chia sẻ bài viết nếu thấy nó bổ ích nhé!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Ngành Truyền thông đa phương tiện là gì? Xu hướng việc làm do ivntalent.edu.vnsưu tầm. Mong rằng các bạn có những thông tin bổ ích nhé. Mọi thông tin khiếu nại về bản quyền vui lòng liên hệ contact để xử lý nhanh nhất nhé. Cảm ơn các bạn.