Bạn đang theo dõi bài viết Kế toán trưởng là gì? Nhiệm vụ của kế toán trưởng trong doanh nghiệp tại ivntalent.edu.vnBạn có thể truy cập nhanh bằng mục lục của bài viết để có thể xem thông tin mình cần nhanh chóng nhất nhé.
Kế toán trong doanh nghiệp đóng vai trò không nhỏ trong hoạt động kinh doanh và phát triển của doanh nghiệp, vậy nên trách nhiệm của một kế toán trưởng càng vô cùng quan trọng. Nếu bạn chưa biết kế toán trưởng là gì, cơ hội nghề nghiệp của ngành này hiện nay như thế nào, cũng như cách để trở thành một kế toán trưởng giỏi thì đừng bỏ qua bài viết này. Cùng mình bắt đầu tìm hiểu ngay nhé!
I. Kế toán trưởng là gì? Cơ hội nghề nghiệp
Đầu tiên, mình sẽ giải thích thuật ngữ kế toán trưởng trong bộ phận kế toán là gì. Kế toán trưởng (hay còn gọi là Chief Accountant) là một quản lý cấp cao, người đứng đầu trong bộ phận kế toán của một đơn vị, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp,…
Kế toán trưởng là thuật ngữ được dùng cho những người được Bộ tài chính cấp phép. Họ là những người chỉ đạo, tham mưu cho ban lãnh đạo và chịu trách nhiệm chính cho các chiến lược tài chính của doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp lớn, kế toán trưởng sẽ giám sát công việc của chuyên gia tài chính và họ sẽ làm việc dưới quyền của Giám đốc tài chính – CPO
Qua đó, bạn cũng có thể thấy được cơ hội nghề nghiệp của vị trí này rất lớn khi hầu hết các doanh nghiệp đều cần đến. Tuy nhiên để được cất nhắc lên kế toán trưởng, bạn cần phải trau dồi kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cũng như kinh nghiệm thực tế.
Việc làm, việc làm kế toán bạn có thể quan tâm:
– Nhân viên Kế toán Kho Trung Tâm Bách Hóa Xanh
– Nhân viên Kế Toán Nhà thuốc An Khang
II. Quy định của pháp luật Việt Nam
1. Quy định chung về kế toán trưởng
Theo điều 20 Nghị định 174/2016/NĐ-CPcủa Chính phủ:
“1. Đơn vị kế toán phải bố trí kế toán trưởng trừ các đơn vị quy định tại khoản 2 Điều này. Trường hợp đơn vị chưa bổ nhiệm được ngay kế toán trưởng thì bố trí người phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán trưởng theo quy định. Thời gian bố trí người phụ trách kế toán tối đa là 12 tháng, sau thời gian này đơn vị kế toán phải bố trí người làm kế toán trưởng.
Phụ trách kế toán:
a) Các đơn vị kế toán trong lĩnh vực nhà nước bao gồm: Đơn vị kế toán chỉ có một người làm kế toán hoặc một người làm kế toán kiêm nhiệm; đơn vị kế toán ngân sách và tài chính xã, phường, thị trấn thì không thực hiện bổ nhiệm kế toán trưởng mà chỉ bổ nhiệm phụ trách kế toán.
b) Các doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được bố trí phụ trách kế toán mà không bắt buộc phải bố trí kế toán trưởng.”
Còn trong điều 49 Luật kế toán số 88/2015/QH13 có quy định:
“1. Đơn vị kế toán phải tổ chức bộ máy kế toán, bố trí người làm kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán.
Việc tổ chức bộ máy, bố trí người làm kế toán, kế toán trưởng, phụ trách kế toán hoặc thuê dịch vụ làm kế toán, kế toán trưởng thực hiện theo quy định của Chính phủ.”
2. Tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng
Theo khoản 1, điều 51 Luật kế toán số 88/2015/QH13:
“1. Người làm kế toán phải có các tiêu chuẩn sau đây:
a) Có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, có ý thức chấp hành pháp luật;
b) Có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán.”
Và điều 54 Luật kế toán số 88/2015/QH13, thì:
“1. Kế toán trưởng phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây:
a) Các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 51 của Luật này;
b) Có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ trung cấp trở lên;
c) Có chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng;
d) Có thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 02 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán từ trình độ đại học trở lên và thời gian công tác thực tế về kế toán ít nhất là 03 năm đối với người có chuyên môn, nghiệp vụ về kế toán trình độ trung cấp, cao đẳng.
Chính phủ quy định cụ thể tiêu chuẩn và điều kiện của kế toán trưởng phù hợp với từng loại đơn vị kế toán.”
3. Đối tượng không được đảm nhận chức vụ kế toán trưởng
Trong điều 52 Luật kế toán số 88/2015/QH13 có quy định về đối tượng không được đảm nhận chức vụ kế toán trưởng như sau:
“1. Người chưa thành niên; người bị Tòa án tuyên bố hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự; người đang phải chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; người đang phải chấp hành hình phạt tù hoặc đã bị kết án về một trong các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về chức vụ liên quan đến tài chính, kế toán mà chưa được xóa án tích.
Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.
Người đang là người quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trong doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.”
Trong điều 19 Nghị định số 174/2016/NĐ-CP, có bổ sung thêm:
“1. Các trường hợp quy định tại khoản 1, 2 Điều 52 Luật kế toán.
Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc hoặc tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc hoặc phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính – kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu, doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Người đang làm quản lý, điều hành, thủ kho, thủ quỹ, người được giao nhiệm vụ thường xuyên mua, bán tài sản trong cùng một đơn vị kế toán, trừ trường hợp trong cùng doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các doanh nghiệp thuộc loại hình khác không có vốn nhà nước và là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.”
4. Trách nhiệm và quyền của kế toán trưởng
Theo điều 55 Luật kế toán số 88/2015/QH13, kế toán trưởng chịu trách nhiệm và có các quyền sau:
“1. Kế toán trưởng có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện các quy định của pháp luật về kế toán, tài chính trong đơn vị kế toán;
b) Tổ chức điều hành bộ máy kế toán theo quy định của Luật này;
c) Lập báo cáo tài chính tuân thủ chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán.
Kế toán trưởng có quyền độc lập về chuyên môn, nghiệp vụ kế toán.
Kế toán trưởng của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị sự nghiệp sử dụng ngân sách nhà nước và doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, ngoài các quyền quy định tại khoản 2 Điều này còn có các quyền sau đây:
a) Có ý kiến bằng văn bản với người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán về việc tuyển dụng, thuyên chuyển, tăng lương, khen thưởng, kỷ luật người làm kế toán, thủ kho, thủ quỹ;
b) Yêu cầu các bộ phận liên quan trong đơn vị kế toán cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu liên quan đến công việc kế toán và giám sát tài chính của kế toán trưởng;
c) Bảo lưu ý kiến chuyên môn bằng văn bản khi có ý kiến khác với ý kiến của người ra quyết định;
d) Báo cáo bằng văn bản cho người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về tài chính, kế toán trong đơn vị; trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người đã ra quyết định hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó.”
III. Vai trò của kế toán trưởng trong doanh nghiệp
Kế toán trưởng có vai trò rất quan trọng trong việc theo dõi và quản lý tài chính cho một doanh nghiệp. Là một kế toán trưởng cần phải biết và thực hiện tốt các công việc liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn tài chính theo quy định của Nhà nước.
Đối với những nghiệp vụ chuyên môn kế toán, kế toán trưởng sẽ đưa ra chiến lược phát triển phù hợp với tình hình hoạt động chung của doanh nghiệp theo từng giai đoạn. Đồng thời, theo dõi, kiểm tra hợp đồng kinh tế đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp. Kịp thời đưa ra hướng xử lý cho những trường hợp làm sai nguyên tắc dẫn đến mất mát, hư hỏng tài sản cố định.
Đối với nghiệp vụ tài chính, kế toán trưởng sẽ tham mưu, cố vấn cho ban quản trị cách thức xử lý những khó khăn tài chính do quy định tài chính không phù hợp. Giám sát, quản lý nguồn vốn của doanh nghiệp với mục tiêu giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
IV. Nhiệm vụ chung của kế toán trưởng
1. Quản lý hoạt động của bộ phận kế toán
Kế toán trưởng là người có quyền hạn cao trong bộ phận kế toán, cũng là người chịu trách nhiệm khi xảy ra vấn đề liên quan đến tài chính của doanh nghiệp. Một kế toán trưởng cần phải quản lý, đào tạo và đảm bảo hiệu suất làm việc của các kế toán viên trong cùng bộ phận. Ngoài ra còn phải đảm nhận những hoạt động khác như giao dịch với ngân hàng, áp dụng công nghệ, kỹ thuật nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, giảm chi phí, tăng tính hiệu quả.
2. Đảm bảo tính hợp pháp trong sổ sách kế toán
Kế toán trưởng của một doanh nghiệp cần phải đảm bảo được tính chính xác, kịp thời và hợp pháp đối với các số liệu lưu lại trong sổ sách kế toán, báo cáo tài chính, bảng cân đối kế toán hay công nợ ngân hàng. Những số liệu quan trọng này sẽ do kế toán trưởng chịu trách nhiệm khi có vấn đề phát sinh, vậy nên cần đảm bảo tính chính xác và hợp pháp.
3. Có trách nhiệm giám sát việc quyết toán
Việc quyết toán những khoản thu chi, dòng tiền, kiểm kê tài sản của một doanh nghiệp vào cuối năm sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới doanh nghiệp. Vậy nên kế toán trường cần giám sát việc quyết toán này kỹ càng để luôn sẵn sàng khi quản lý cấp cao yêu cầu quyết toán bất cứ thời điểm nào trong năm. Việc giám sát quy trình quyết toán cũng sẽ giúp kế toán trưởng dễ dàng nắm bắt được tình hình kinh doanh, từ đó có những hành động kịp thời để giảm chi phí, tăng hiệu quả tài chính cho doanh nghiệp.
4. Lập báo cáo tài chính
Báo cáo tài chính là những văn bản tóm tắt lại kết quả của những hoạt động sản xuất kinh doanh theo quý, theo năm của doanh nghiệp. Việc lập báo cáo tài chính sẽ được thực hiện vào những khoảng thời gian quy định, hoặc khi ban lãnh đạo yêu cầu trình bày. Báo cáo tài chính có thể do kế toán trưởng trực tiếp lập hoặc giám sát kế toán viên lập.
5. Tham gia phân tích và dự báo nguồn tài chính
Việc phân tích và dự báo nguồn tài chính là một công việc quan trọng hàng đầu đối với một kế toán trưởng. Dựa trên tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tình hình kinh tế thị trường trong nước và quốc tế để đưa ra dự báo phù hợp nhất với doanh nghiệp.
Từ đó, giúp doanh nghiệp biết được nên đầu tư thêm vào lĩnh vực nào hay cần duy trì ngân sách, nguồn vốn ở mức nào là phù hợp. Cũng như thông qua những phân tích, dự báo nguồn tài chính giúp doanh nghiệp xử lý kịp thời những rủi ro phát sinh hay khắc phục sai phạm của doanh nghiệp về tài chính.
V. Để trở thành kế toán trưởng của doanh nghiệp
1. Kỹ năng cần có của kế toán trưởng
– Yêu thích những con số: Kế toán trưởng sẽ làm việc rất nhiều với những con số. Chính vì vậy, việc yêu thích những con số sẽ giúp hoàn tất công việc nhanh chóng.
– Kỹ năng phân tích logic: Kế toán trưởng có trách nhiệm theo dõi và phân tích các số liệu tài chính của doanh nghiệp. Thế nên, việc có kỹ năng phân tích logic là vô cùng cần thiết. Với kỹ năng phân tích logic, kế toán trưởng sẽ có thể thực hiện các nghiệp vụ và đưa ra giải pháp nhanh chóng để giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính, kế toán.
– Kỹ năng giao tiếp xã hội: Biết giao tiếp, biết ứng xử khéo léo, hoặc ứng phó nhanh với nhiều tình huống phát sinh sẽ là người có khả năng lãnh đạo tốt, thích hợp với những vị trí cao trong doanh nghiệp. Vậy nên, một kế toán trưởng cũng rất cần kỹ năng giao tiếp xã hội. Nó sẽ giúp việc giao tiếp với cấp dưới, cấp trên và các bộ phận khác được dễ dàng hơn.
– Kỹ năng tổ chức và quản lý: Là người đứng đầu một bộ phận trong doanh nghiệp, kế toán trưởng cần phải có kỹ năng tổ chức và quản lý. Tổ chức hoạt động, xây dựng quy trình, quản lý kế toán viên đảm bảo công việc được thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước và quy tắc của doanh nghiệp.
– Kỹ năng sắp xếp thời gian: Để có thể trở thành một kế toán trưởng giỏi, luôn hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất thì kỹ năng sắp xếp thời gian và sắp xếp công việc là cần thiết. Khối lượng công việc của một kế toán trưởng rất lớn và công việc chủ yếu lại liên quan đến giấy tờ, sổ sách, số liệu. Vậy nên việc sở hữu kỹ năng sắp xếp thời gian và công việc sẽ giúp công việc diễn ra suôn sẻ theo ý muốn.
– Cẩn thận, tỉ mỉ và tính kỷ luật cao: Công việc của ngành kế toán yêu cầu cẩn thận, tỉ mỉ và tính kỷ luật cao, cũng vì vậy để có thể trở thành một kế toán trưởng thì lại càng phải cẩn thận, chú ý từng chi tiết nhỏ. Những số liệu, thống kê, báo cáo tài chính, thuế hay việc quyết toán yêu cầu tính chính xác cao, vậy nên dù là một sai sót nhỏ cũng có thể khiến cho doanh nghiệp tổn hại lớn.
2. Lộ trình trở thành kế toán trưởng
Để trở thành kế toán trưởng bên cạnh đạt được những điều kiện và tiêu chuẩn thì bạn còn cần có một lộ trình rõ ràng. Và lộ trình cơ bản để có thể trở thành kế toán trưởng trong tương lai gồm có 3 giai đoạn:
– Trở thành nhân viên kế toán bộ phận: Đầu tiên nên bắt đầu từ vị trí kế toán thu mua, kế toán thuế, kế toán công nợ, kế toán tiền lương,… Việc bắt đầu từ vị trí thấp, chuyên xử lý nghiệp vụ cho từng phần hành sẽ là bước đầu tiên làm quen với công việc. Với vị trí nhân viên kế toán bộ phận, bạn sẽ có cơ hội tích lũy kiến thức và kỹ năng trải nghiệm thực tế. Việc đào sâu vào một nghiệp vụ của kế toán nhằm tạo dựng nền tảng kiến thức, kỹ năng vững chắc.
– Trở thành kế toán tổng hợp: Sau khi đã có kinh nghiệm làm việc từ 3 – 5 năm, chuyên môn và kỹ năng vững vàng thì bạn có thể thử sức với vị trí kế toán tổng hợp. Vị trí này cần những người có khả năng tổng hợp, có cái nhìn bao quát tất cả các hoạt động trong kế toán doanh nghiệp. Kế toán tổng hợp được biết đến là người hỗ trợ trực tiếp cho kế toán trưởng, với vị trí này bạn có thể học hỏi thêm những công việc và kỹ năng của quản lý cấp cao.
– Trở thành kế toán trưởng: Khi đã tự tin với kiến thức và kỹ năng mà bản thân mình có, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho bộ phận kế toán, và tham mưu, góp ý cho giám đốc tài chính cùng ban lãnh đạo nghĩa là bạn đã sẵn sàng với vị trí kế toán trưởng.
Nhiều bạn đang thắc mắc liệu một người có thể làm kế toán trưởng cho nhiều doanh nghiệp cùng một lúc hay không thì câu trả lời là có nhé! Theo Bộ luật Lao động mới nhất, bạn hoàn toàn có thể làm việc cùng lúc tại nhiều doanh nghiệp, và trong cũng không có quy định nào không cho phép một người cùng lúc làm kế toán trưởng cho nhiều doanh nghiệp. Vậy nên, quan trọng là bạn cần phải đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, không vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi làm kế toán trưởng cho nhiều doanh nghiệp.
3. Mức lương và cơ hội nghề nghiệp
Kế toán trường là quản lý cấp cao, áp lực lớn, chịu nhiều trách nhiệm nặng nề vậy nên đây cũng là một công việc văn phòng có mức lương khủng. Tuỳ vào quy mô doanh nghiệp, tính chất công việc, lĩnh vực hoạt động và kinh nghiệm mà mức lương mỗi doanh nghiệp sẽ khác nhau.
Vậy nên mức lương của kế toán trưởng cũng dao động trung bình từ khoảng 10 – 30 triệu/tháng chưa kể trợ cấp làm ngoài giờ, thậm chí với những người làm kế toán trưởng cho nhiều doanh nghiệp, sử dụng tối đa năng lực thì mức lương có thể đạt tới con số đáng ngưỡng mộ.
VI. Có nên thi chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng
1. Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán là gì?
Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán là chứng chỉ chứng nhận một người hoàn thành và vượt qua bài thi cấp chứng chỉ của lớp học bồi dưỡng kế toán trưởng. Tại lớp học này bạn sẽ được học và cập nhật những kiến thức từ cơ bản đến chuyên sâu về kế toán, kiểm toán và tài chính.
2. Điều kiện học chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng
Có 2 điều kiện chính để được học chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng là trình độ chuyên môn và nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, tài chính cùng với thời gian làm việc thực tế trong ngành. Đối với thời gian làm việc, tối thiểu 2 năm đối với người có bằng đại học, 3 năm đối với trung cấp tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính. Một lưu ý khi học chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng là 2 bài kiểm tra giữa khoá và cuối khóa phải đạt 5/10 điểm trở lên.
3. Nhận biết chứng chỉ kế toán trưởng hợp lệ
Chứng chỉ kế toán trưởng hợp lệ là chứng chỉ do Bộ tài chính cấp. Nghĩa là, một chứng chỉ kế toán trưởng hợp lệ cần có Phôi chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng và Mã số đơn vị đào tạo, bồi dưỡng kế toán trưởng được Bộ tài chính cấp và quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước. Chứng chỉ kế toán trưởng hợp lệ sẽ được cơ sở đào tạo và bồi dưỡng tổ chức khóa học đóng dấu nổi và giáp lai vào ảnh.
4. Thời hạn của chứng chỉ kế toán trưởng
Theo khoản 4, điều 9 Thông tư số 199/2011/TT-BTC chứng chỉ kế toán trưởng có thời hạn:
“Chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng có giá trị sử dụng trong thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp để bổ nhiệm kế toán trưởng lần đầu theo quy định tại khoản 2, điều 53 của Luật Kế toán. Quá thời hạn 5 năm học viên có yêu cầu cấp lại chứng chỉ phải học lại khoá học bồi dưỡng kế toán trưởng.”
Vậy nên sau 5 năm học viên muốn được cấp lại chứng chỉ thì phải học lại khóa học bồi dưỡng kế toán trưởng.
Xem thêm:
– Tổng hợp công việc của kế toán cần phải làm tại doanh nghiệp chi tiết
– Kế toán doanh nghiệp: mô tả công việc và cơ hội nghề nghiệp hiện nay
– Vai trò và chi tiết công việc của nhân viên kế toán kho phải làm
Hy vọng bài viết trên đã mang đến cho bạn những thông tin thú vị về công việc của một kế toán trưởng, giúp bạn nhìn thấy được cơ hội của nghề này. Hãy chia sẻ bài viết nếu bạn thấy hay, cảm ơn và hẹn gặp lại!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Kế toán trưởng là gì? Nhiệm vụ của kế toán trưởng trong doanh nghiệp do ivntalent.edu.vnsưu tầm. Mong rằng các bạn có những thông tin bổ ích nhé. Mọi thông tin khiếu nại về bản quyền vui lòng liên hệ contact để xử lý nhanh nhất nhé. Cảm ơn các bạn.