Khi đi phỏng vấn nên mang theo gì?

Bạn đang theo dõi bài viết Khi đi phỏng vấn nên mang theo gì? tại ivntalent.edu.vnBạn có thể truy cập nhanh bằng mục lục của bài viết để có thể xem thông tin mình cần nhanh chóng nhất nhé.

Khi đã được mời dự phỏng vấn, bạn cần chắc chắn rằng mình đã chuẩn bị kỹ càng, vì đây có thể là cơ hội duy nhất để thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là ứng viên thật sự phù hợp với công việc. Ngoại hình, thái độ và cách bạn trả lời câu hỏi là yếu tố chính trong việc xác định liệu bạn có giành được công việc đó hay không.

Sự cạnh tranh giữa các ứng viên luôn rất gay gắt, nhiều khả năng bạn chỉ là một trong số những người được phỏng vấn. Vì thế, hãy cố để lại ấn tượng tốt nhất nhằm tăng cơ hội được đi sâu tiếp vào các vòng trong, hoặc may mắn hơn nữa là sở hữu lời mời làm việc.

QUY TRÌNH PHỎNG VẤN VIỆC LÀM

Để chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn, điều quan trọng trước tiên là ứng viên phải hiểu quy trình phỏng vấn. Ban đầu, bạn có thể gặp một người quản lý tuyển dụng hoặc chuyên viên nhân sự. Công việc của họ là sàng lọc hồ sơ nhằm thu gọn lại danh sách ứng viên phù hợp nhất cho vòng phỏng vấn tiếp theo, nhiều khả năng liên quan đến quản lý.

Bất kể là bạn đang gặp ai cũng hãy cố tạo ấn tượng tích cực nhất! Vì những người phỏng vấn có thể sẽ thảo luận thêm với những người quan trọng khác có quyền ra quyết định lựa chọn bạn hay không.

Tùy thuộc vào vị trí ứng tuyển, đôi khi bạn cũng có thể được yêu cầu làm bài kiểm tra viết có giới hạn thời gian. Có thể nhà tuyển dụng muốn hiểu hơn về các kỹ năng hiện tại của bạn, điều này giúp họ cân nhắc và đưa ra quyết định tuyển dụng đúng đắn.

NÊN CHUẨN BỊ GÌ CHO BUỔI PHỎNG VẤN

Để chuẩn bị cho một buổi phỏng vấn việc làm, bạn nên lưu ý kỹ những điều sau:

  • Trang phục: Bạn cần đảm bảo rằng mình sẽ xuất hiện với vẻ ngoài gọn gàng và sạch sẽ. Hãy ăn mặc phù hợp với buổi phỏng vấn bằng cách lựa chọn những loại trang phục công sở chuyên nghiệp như váy hoặc quần tây kết hợp với giày bít mũi. Các phụ kiện như túi xách, cà vạt và thắt lưng nên được cân nhắc thận trọng.
  • Đường đi: Nếu bạn không biết chắc nơi mình cần đến, hãy xem kỹ các chỉ dẫn và bất kỳ thông tin hướng dẫn nào mà người quản lý tuyển dụng đã đưa cho bạn. Ngoài ra, nếu bạn có nhận được email chính thức mời phỏng vấn, hãy mang theo đề phòng khi cần xác định lại thông tin. Hãy ước lượng xem bạn sẽ mất khoảng bao nhiêu thời gian cho việc đi lại bằng xe máy cá nhân hoặc phương tiện công cộng, bằng cách xem một ứng dụng bản đồ chẳng hạn như Google Map. Bên cạnh đó, hãy dành thêm 30 phút để “trừ hao” cho các sự cố bất ngờ trong quá trình di chuyển khiến bạn chậm trễ. Tốt nhất là bạn nên xuất hiện ở điểm hẹn 10 phút trước giờ hẹn.
  • Nghiên cứu công ty: Hãy chắc rằng bạn đã tìm hiểu kỹ lưỡng về nhà tuyển dụng tiềm năng trước khi đến dự phỏng vấn, bởi vì rất có thể bạn sẽ được đặt ra nhiều câu hỏi để đo lường mức độ hiểu biết, quan tâm của bạn đối với doanh nghiệp của họ. Hầu hết trang web của các công ty đều có phần “Giới thiệu” hoặc “Về chúng tôi” để cung cấp cho người xem cái nhìn khái quát về lịch sử công ty, mục tiêu, tầm nhìn… cũng như các giá trị quan trọng mà bạn học đã và đang theo đuổi.
  • Danh sách câu hỏi: Hãy luôn sẵn sàng một danh sách những câu hỏi, để bất kỳ khi nào cần thiết hoặc lúc người phỏng vấn đề cập đến thì bạn có thể nói ngay. Bạn cũng cần khéo léo đặt thêm các câu hỏi dựa trên cuộc trò chuyện, điều này sẽ thể hiện với nhà tuyển dụng rằng bạn có kỹ năng nghe và hiểu tốt, đồng thời thực sự quan tâm đến công việc.
  • Giấy tờ tuỳ thân: Nếu bạn đến một công ty có văn phòng nằm trong các tòa nhà, bảo vệ có thể yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân hoặc bạn cần nó để có đủ thông tin hoàn thành hồ sơ xin việc. Vì thế, hãy nhớ mang theo bên mình chứng minh nhân dân/ căn cước công dân, bằng lái xe hoặc các loại giấy tờ khác có chức năng nhận dạng.
  • Sổ tay và bút: Đừng quên mang theo những thứ này vì có thể bạn sẽ cần phải ghi chú lại những thông tin quan trọng về công ty, người phỏng vấn, chi tiết công việc hoặc thậm chí là những câu hỏi xuất hiện trong đầu khi bạn đang dự phỏng vấn. Thêm vào đó, việc chu đáo mang theo sổ và bút sẽ cho phỏng vấn viên thấy rằng bạn đến gặp họ với tâm thế sẵn sàng và chuẩn bị kỹ lưỡng.
  • Tên người cần liên hệ: Hãy viết tên của phỏng vấn viên vào sổ tay/ điện thoại hoặc notepad của bạn. Không ai trong chúng ta muốn bị xấu hổ và khó xử vì không gọi được tên người đang phỏng vấn mình. Nhưng thực tế cho thấy, không hiếm trường hợp ứng viên vì lúng túng hoặc trí nhớ kém đã thực sự quên mất tên phỏng vấn viên dù họ vừa giới thiệu trước đó không lâu. Ngoài ra, bạn cũng cần phải biết tên của người đã sắp xếp buổi phỏng vấn cho mình nữa, để có thể liên hệ với bộ phận tiếp tân công ty hoặc khai báo cho bảo vệ toà nhà khi đến điểm hẹn.

Nguồn bài viết: CareerBuilder Vietnam.

Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Khi đi phỏng vấn nên mang theo gì? do ivntalent.edu.vnsưu tầm. Mong rằng các bạn có những thông tin bổ ích nhé. Mọi thông tin khiếu nại về bản quyền vui lòng liên hệ contact để xử lý nhanh nhất nhé. Cảm ơn các bạn.