Bạn đang theo dõi bài viết Kinh doanh thương mại điện tử: Cơ hội việc làm và điều kiện đăng ký tại ivntalent.edu.vnBạn có thể truy cập nhanh bằng mục lục của bài viết để có thể xem thông tin mình cần nhanh chóng nhất nhé.
Xu hướng kinh doanh thương mại điện tử đã và đang thu về không ít lợi nhuận cho các thương nhân. Tuy nhiên, để đăng ký kinh doanh thương mại điện tử thì doanh nghiệp cần phải tuân theo quy định của pháp luật. Bài viết này sẽ giúp các bạn biết được cơ hội việc làm và điều kiện đăng ký kinh doanh thương mại một cách chi tiết nhé!
I. Kinh doanh thương mại điện tử là gì?
Thương mại điện tử (E-commerce) là các hoạt động mua hoặc bán các sản phẩm thông qua dịch vụ trực tuyến. Hàng hóa sẽ được vận chuyển sau khi bên mua và bên bán giao dịch với nhau. Bạn có thể thanh toán trực tiếp khi nhận hàng hoặc thanh toán gián tiếp qua Internet Banking hay các ví điện tử thông dụng. Điều đặc biệt là bạn có thể đặt bất kỳ hàng hóa ở bất cứ đâu vào bất kể thời gian nào trong ngày.
Thương mại điện tử được định nghĩa trong nghị định của Chính Phủ là: “Hoạt động thương mại điện tử là việc tiến hành một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động thương mại bằng phương tiện điện tử có kết nối với mạng Internet, mạng viễn thông di động hoặc các mạng mở khác”. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều định nghĩa về thương mại điện tử được đặt ra từ các tổ chức uy tín trên thế giới như WTO, APEC, Ủy ban Châu u,… Theo định nghĩa của tổ chức WTO thì “Thương mại điện tử bao gồm việc sản xuất, phân phối, tiếp thị, bán hoặc giao hàng hóa và dịch vụ bằng phương tiện điện tử”.
Việc làm có thể bạn quan tâm – tuyển dụng thương mại điện tử:
– Quản trị viên kênh Online (Social, Sàn TMĐT)
– Nhân viên Phát triển kinh doanh Sàn E-Com (B2B/ Brand, Big seller)
II. Ưu điểm khi kinh doanh thương mại điện tử
Nếu các cửa hàng truyền thống thì bạn cần phải mở thêm nhiều chi nhánh khác trên các quốc gia thì mới có thể mang sản phẩm của mình đến với khách hàng. Tuy nhiên, với hình thức kinh doanh thương mại điện tử thì bạn sẽ không bị giới hạn khoảng cách mua bán. Khách hàng chỉ cần lên website của cửa hàng và chọn hàng hóa mà mình mong muốn là có thể được giao đến tận nơi mà không cần đến tận cửa hàng để mua. Không những thế, bạn hoàn toàn có thể ra mắt vô số sản phẩm với số lượng lớn vì không bị giới hạn bởi không gian.
Bên cạnh đó, nó giúp bạn tiết kiệm một khoản chi phí thuê mặt bằng hay thuê nhân viên để bạn có thêm chi phí tối ưu trang web hơn nữa. Khi bạn áp dụng kinh doanh mô hình thương mại điện tử thì cửa hàng của bạn có thể truy cập cả ngày. Cho phép mọi người mua sắm 24h/ngày, 7 ngày/tuần và 365 ngày/năm bất kể họ sống ở đâu trên thế giới. Điều này vừa mang lại nhiều cơ hội cho khách hàng mua sắm vừa tạo cơ hội cho nhà kinh doanh thu hút thêm nhiều lợi nhuận.
Ngoài ra, việc tạo và duy trì một trang web sẽ ít tốn kém hơn so với việc vận hành một cửa hàng truyền thống. Nếu như bạn phải chi ra một khoản tiền lớn để thuê mặt bằng, nhân viên, trả tiền điện hoặc các khoản bảo trì khác,… thì thương mại điện tử sẽ giúp bạn tiết kiệm được khoản chi phí đó để đầu tư hình ảnh cho trang web.
III. Ai được phép kinh doanh thương mại điện tử?
Căn cứ tại khoản 1 điều 2 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thương mại điện tử trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm: Thương nhân, tổ chức, cá nhân Việt Nam; cá nhân nước ngoài cư trú tại Việt Nam và thương nhân, tổ chức nước ngoài có sự hiện diện tại Việt Nam thông qua hoạt động đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện, hoặc thiết lập website dưới tên miền Việt Nam.
Nếu không cư trú ở Việt Nam mà muốn tạo website để kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam thì các cá nhân cũng như tổ chức nước ngoài phải đăng ký kinh doanh theo quy định pháp luật của Việt Nam. Nếu không có chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam thì phải sử dụng tên miền Việt Nam, sau đó thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo Điều 52 nghị định 52/2013/NĐ-CP,
IV. Các hình thức tổ chức hoạt động thương mại điện tử
Hoạt động thương mại khá phổ biến trong kinh doanh hiện nay, căn cứ vào Điều 25 Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử bao gồm các hình thức sau:
– Website thương mại điện tử bán hàng: Là website do các thương nhân, tổ chức hay cá nhân tự thiết lập nhằm phục vụ hoạt động thương mại của mình.
– Website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các loại như: Sàn giao dịch thương mại điện tử, Website đấu giá trực tuyến, Website khuyến mại trực tuyến và các loại website khác do Bộ Công Thương quy định.
V. Điều kiện, thủ tục đăng ký kinh doanh thương mại điện tử
1. Thiết lập website thương mại điện tử bán hàng
Điều kiện đăng ký
Căn cứ vào Điều 52 Nghị định 52/2013/NĐ-CP, khoản 1 Điều 10 Nghị định 08/2018/NĐ-CP, để đăng ký thiết lập website thương mại điện tử bán hàng cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Là thương nhân, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ phù hợp hoặc cá nhân đã được cấp mã số thuế cá nhân.
– Có website với tên miền hợp lệ và tuân thủ các quy định về quản lý thông tin trên Internet.
– Đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định này.
Hồ sơ cần chuẩn bị
Căn cứ khoản 2 Điều 55 Nghị định 52/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký bao gồm:
– Tên miền của website thương mại điện tử.
– Loại hàng hóa, dịch vụ giới thiệu trên website.
– Tên đăng ký của thương nhân, tổ chức hoặc tên của cá nhân sở hữu website.
– Địa chỉ trụ sở của thương nhân, tổ chức hoặc địa chỉ thường trú của cá nhân.
– Số, ngày cấp và nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân, hoặc số, ngày cấp và đơn vị cấp quyết định thành lập của tổ chức; hoặc mã số thuế cá nhân của cá nhân.
-Tên, chức danh, số chứng minh nhân dân, số điện thoại và địa chỉ thư điện tử của người đại diện thương nhân, người chịu trách nhiệm đối với website thương mại điện tử.
– Các thông tin khác theo quy định của Bộ Công Thương.
Nơi nộp hồ sơ và thời hạn giải quyết
Nộp tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và sẽ được giải quyết sau 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ
2. Thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử
Điều kiện đăng ký
Căn cứ vào Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP và khoản 19 Điều 1 Nghị định 85/2021/NĐ-CP, để đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cần đáp ứng các điều kiện sau:
– Là thương nhân, tổ chức được thành lập theo quy định pháp luật.
– Có đề án cung cấp dịch vụ trong đó nêu rõ các nội dung sau:
+ Mô hình tổ chức hoạt động, bao gồm hoạt động cung cấp dịch vụ, hoạt động xúc tiến, tiếp thị dịch vụ cả trong và ngoài môi trường trực tuyến; hoạt động logistics đối với hàng hóa;
+ Phân định quyền và trách nhiệm giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với các bên sử dụng dịch vụ.
– Đã đăng ký thiết lập website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký theo quy định tại Điều 55 và 58 Nghị định này.
Hồ sơ cần chuẩn bị
– Đơn đăng ký website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử theo Mẫu TMĐT-1 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 47/2014/TT-BCT.
– Đối với các tổ chức cần chuẩn bị bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao xuất trình kèm bản chính để đối chiếu Quyết định thành lập. Đối với thương nhân cần chuẩn bị giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đầu tư.
– Đề án cung cấp dịch vụ theo quy định tại khoản 3 Điều 54 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
– Quy chế quản lý hoạt động của website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử bao gồm các nội dung sau:
+ Nội dung quy định tại Điều 38 Nghị định 52/2013/NĐ-CP.
+ Cơ chế xử lý, thời hạn xử lý khi nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
– Mẫu hợp đồng dịch vụ hoặc thỏa thuận hợp tác giữa thương nhân, tổ chức sở hữu website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử với thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ trên website đó.
Nơi nộp hồ sơ và thời hạn giải quyết
Nộp tại Cổng thông tin Quản lý hoạt động thương mại điện tử và sẽ được giải quyết sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ
VI. Kinh nghiệm lựa chọn sản phẩm kinh doanh thương mại điện tử
1. “Product is king” – Sản phẩm quyết định thành công
Chiến lược sản phẩm như “móng nhà”, lựa chọn sản phẩm đúng đắn sẽ góp phần vào thành công trong việc kinh doanh thương mại điện tử. Một số sai lầm mà các thương nhân hay mắc phải đó là lựa chọn sản phẩm kinh doanh theo sở thích cá nhân của mình. Đó là sai lầm nghiêm trọng vì việc kinh doanh không thể nào làm theo cảm tính được. Đặc thù của thương mại điện tử là nhu cầu người dùng và tính cạnh tranh khác nhau nên cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi quyết định.
Bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm là yếu tố hàng đầu cần phải quan tâm. Khi sản phẩm đạt chất lượng tốt sẽ được biết đến rộng rãi và dễ dàng được người tiêu dùng chấp nhận. Hơn thế nữa, khi sản phẩm đạt chất lượng tốt sẽ là yếu tố giúp khách hàng quay trở lại trong những lần tiếp theo.
Tuy nhiên, để biết sản phẩm có tốt hay không thì các nhà bán hàng cần phải kiểm tra thật kỹ, sử dụng trước khi ra mắt sản phẩm để có thể mang lại một sản phẩm chất lượng. Đặc biệt, nếu sản phẩm nhập về chất lượng kém và phản hồi của thị trường không tốt, thì hãy bỏ qua và kinh doanh sản phẩm khác. Nhiều nhà bán hàng thường có suy nghĩ sai lầm nên cố gắng bán gây lãng phí thời gian tiền bạc và công sức của mình.
2. Sản phẩm phải đáp ứng đa dạng phân khúc khách hàng
Để đáp ứng đa dạng phân khúc khách hàng thì sản phẩm thuộc 3 phân khúc: giá trị thấp, giá trị trung bình và giá trị cao. Cơ bản sản phẩm giá trị thấp vào khoảng vài chục nghìn, giá trị trung bình khoảng vài trăm nghìn, giá trị cao thuộc hàng triệu đồng. Con số này có thể thay đổi tùy thuộc vào mỗi ngành hàng. Những sản phẩm có giá trị thấp thường dùng để gây sự chú ý, giúp tăng số lượng truy cập gian hàng và trải nghiệm những sản phẩm khác. Tuy nhiên, các sản phẩm giá trị thấp thường sẽ có nhiều đơn nhưng lợi nhuận lại không cao thậm chí bị lỗ vốn nên các nhà bán hàng nên chọn những sản phẩm gọn nhẹ, dễ đóng gói dễ vận chuyển để tiết kiệm chi phí vận hành.
Sản phẩm giá trị trung bình thường là nhóm sản phẩm chủ lực, mang lại nguồn tiền chính cho doanh nghiệp. Đây là nhóm sản phẩm nên được tập trung và cần liên tục mở rộng để duy trì lợi thế cho gian hàng. Sản phẩm giá trị cao là nhóm sản phẩm có thể có ít đơn hàng hơn nhưng lợi nhuận lại rất cao. Những sản phẩm này thường là các sản phẩm độc quyền chỉ có gian hàng đó mới có. Vì thế, các nhà bán cũng nên tập trung mở rộng nhóm hàng này. Tuy nhiên, khi gian hàng đã ổn định và đang trên đà phát triển tốt, thì bạn không nên đầu tư vào các sản phẩm giá trị thấp mà đầu tư vào nhóm sản phẩm giá trị trung bình, giá trị cao để tăng lợi nhuận.
3. Lên quy trình chốt sản phẩm kinh doanh thương mại điện tử
Quy trình chốt sản phẩm kinh doanh thương mại điện tử thường xảy ra 5 bước:
– Bước 1: Khảo sát sản phẩm đó trên các sàn thương mại điện tử để nắm được tỷ lệ người kinh doanh sản phẩm này, mức giá trung bình… Bên cạnh đó, cần đọc kỹ đánh giá của khách hàng để biết chất lượng sản phẩm và thị hiếu người dùng.
– Bước 2: Kiểm tra chất lượng sản phẩm và nhà cung cấp. Nếu sản phẩm đạt chất lượng thì nên nhập về nhưng nếu sản phẩm không đạt tiêu chuẩn thì nên từ bỏ ngay.
– Bước 3: Đăng sản phẩm chuẩn SEO từ việc đặt tên, thông tin sản phẩm phải rõ ràng, hình ảnh và video đẹp mắt, đúng thực tế, viết mô tả sản phẩm theo đúng từ khóa mà khách hàng hay tìm kiếm để tăng cơ hội tiếp cận.
– Bước 4: Kiểm tra độ nhạy của sản phẩm và mức độ chấp nhận của thị trường bằng các hình thức quảng cáo trong khoảng thời gian cụ thể là 1 tuần để đưa ra chiến lược kinh doanh hợp lý.
– Bước 5: Dựa vào tốc độ bán ra của sản phẩm và phản hồi của khách hàng để ra quyết định nhập số lượng sản phẩm để tránh bị tồn hàng.
VII. Yếu tố ảnh hưởng đến phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam
– Cơ sở hạ tầng: Sự yếu kém của mạng và các thiết bị kết nối mạng tại các nước đang phát triển đã ảnh hưởng rất lớn đến sức tăng trưởng của thương mại điện tử trong các doanh nghiệp.
– Niềm tin với đối tác: Khi doanh nghiệp hoạt động trong môi trường pháp lý tốt thì họ sẽ gầy dựng được lòng tin với mọi người đặc biệt là các đối tác
– Chính sách Nhà nước: Để kinh doanh thương mại điện tử phát triển đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống luật pháp độc lập. Doanh nghiệp cần lưu ý một số chính sách sau để phát triển kinh doanh thương mại điện tử: Chính sách thuế không phân biệt trong môi trường trực tuyến, chính sách về quyền tư nhân và bảo vệ người tiêu dùng, quản lý quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường trực tuyến, sử dụng công nghệ mã hóa và sự chấp nhận chứng thực trung gian, cũng như các điều luật về xác nhận, quyền lợi của các đối tác thương mại, chia sẻ rủi ro giữa các nhà cung cấp và các nhà cung cấp dịch vụ mạng, kiểm toán trực tuyến,…
– Nguồn nhân lực và vấn đề đào tạo: Hoạt động kinh doanh thương mại rất cần những lao động có trình độ chuyên môn cao để xây dựng các ứng dụng, cung cấp dịch vụ và phổ biến các kiến thức kỹ thuật về thương mại điện tử đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam.
Xem thêm:
–Những sự thật về ngành thương mại điện tử mà bạn muốn biết
–Thương mại điện tử là gì? Cơ hội việc làm và trường đào tạo
–Kinh doanh điện tử (E-business) là gì? Xu hướng việc làm hiện nay
Hy vọng sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ biết được kinh doanh thương mại điện tử là gì? Cơ hội việc làm và điều kiện đăng ký loại hình kinh doanh này như thế nào. Nếu bạn thấy bài viết này hữu ích, vậy thì đừng quên chia sẻ với mọi người nhé. Chúc bạn luôn thành công trong công việc lẫn cuộc sống!
Nguồn tham khảo: //vi.wikipedia.org/wiki/Thương_mại_điện_tử
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Kinh doanh thương mại điện tử: Cơ hội việc làm và điều kiện đăng ký do ivntalent.edu.vnsưu tầm. Mong rằng các bạn có những thông tin bổ ích nhé. Mọi thông tin khiếu nại về bản quyền vui lòng liên hệ contact để xử lý nhanh nhất nhé. Cảm ơn các bạn.