Em trai mình sinh năm 2000, sinh viên năm cuối một trường Đại học. Và đã có kinh nghiệm đi làm từ khi còn năm nhất. Mới đây, nó mới nhận được offer vị trí fulltime từ một tập đoàn công nghệ. Toàn bộ quá trình này đều có sự có mặt của mình, định hướng, dẫn dắt nên khi nó báo tin mình là người vui nhất. Mình viết bài này để chia sẻ với mọi người – đặc biệt là các em đang là học sinh, sinh viên và các bạn làm anh làm chị như mình – cách mình đã áp dụng để định hướng cho em mình nhé.
Lưu ý:
– Mình chia sẻ về con đường chứ không khoe kết quả. Vì lương 8 chữ số với nhiều bạn Gen Z chả có gì là ghê gớm.
– Không có một con đường chuẩn mực nào cả. Đây là định hướng từ quan sát và trải nghiệm cá nhân của mình. Mọi người đọc bài dưới góc độ tham khảo nhé.
– Mình đã chia sẻ nội dung này trên kênh TikTok cá nhân và nhận về tới 95% là phản hồi tích cực. Nên mình biên tập lại thành bài viết để gửi gắm thông tin được tới nhiều người hơn.
1 – PHẢI GIỎI NGOẠI NGỮ
Mình hơn em trai mình 7 tuổi. Nên khi nó còn học phổ thông thì mình đã đi học đại học rồi đi làm. Mình quan sát được rằng người có ngoại ngữ tốt luôn có nhiều cơ hội hơn. Vậy nên khi em mình báo rằng sẽ chọn môn Tiếng Anh để thi Học sinh giỏi tỉnh, mình đã cực kỳ ủng hộ. Nó được giải ba trong kỳ thi này. Lên Đại học, mình cũng ốp nó đi học IELTS luôn. Khá đau ví bố mẹ nhưng đổi lại là năm 2 Đại học đã có một con 6.5 dắt lưng.
Có thể bạn chưa biết: Theo báo cáo chỉ số thông thạo ngoại ngữ EF EPI, chỉ số của Việt Nam là 471/800, ở mức trung bình thấp. Nếu quy đổi về thang điểm 10 của hệ thống giáo dục Việt Nam, thì số điểm kia quy về mức trên trung bình chút xíu.
2 – ĐI LÀM THÊM TỪ SỚM
Việt Nam có cả vài triệu cử nhân. Vì thế nếu chỉ có bằng Đại học trong tay, bạn cũng chẳng có khác biệt gì so với vài triệu người đó. Thay vào đó, cần tạo cho mình một lợi thế cạnh tranh từ sớm. Sao cho phù hợp với năng lực, sở thích và định hướng tương lai của mình. Có bạn thì chọn mài giũa ngoại ngữ, có bạn tham gia hoạt động Đoàn Hội, có bạn đi làm thêm sớm, có bạn tham gia nghiên cứu khoa học, có người chăm chút ngoại hình… Em trai mình nó cũng hào hứng thi vào CLB Nhân sự ở trường Đại học hồi năm nhất. Nhưng trượt chổng vó chẳng rõ lý do, nên mình bảo nó quay xe đi làm thêm luôn. Hè năm nhất, mặc kệ bố mẹ kêu gào. Mình bảo nó đi làm Nhân viên Chăm sóc khách hàng ở một công ty outsourcing về photoshop. Lương tháng 4 triệu thì phải. Đi làm thêm là một bước chuyển mình giữa một đứa đi học, chỉ phải nghĩ đến chuyện làm bài & thi. Sang một đứa đi làm, có trách nhiệm & ràng buộc với nhiều thứ, nhiều người hơn.
3 – SỚM CÓ TƯ DUY NHÂN SỰ
Sau này khi các bạn lên làm quản lý, rồi thậm chí mở công ty riêng, các bạn sẽ nhanh chóng nhận ra là kiến thức chuyên ngành không giúp ích được các bạn nhiều bằng các kiến thức về quản trị nhân sự đâu. Lãnh đạo thành công là lãnh đạo biết cách dùng người. Theo một khảo sát của Trường Doanh nhân HBR thì nỗi đau lớn nhất mà chủ các doanh nghiệp SMEs gặp phải là Nhân sự. Công việc làm thêm tiếp theo của em mình là làm CTV ở phòng Tuyển dụng HBR Holdings nơi mình quản lý, trực tiếp tuyển dụng giảng viên. Tự tay mình training nó để nó thuần thục các kĩ năng cơ bản của người làm tuyển dụng và thiết lập được tư duy “con người là nền móng của doanh nghiệp”. Nó đi làm suốt như vậy trong 10 tháng, lương 2 triệu.
4 – QUĂNG MÌNH SANG SALE ĐỂ RÈN LUYỆN
Sau khi mình thấy nó đã cứng cáp thêm lên, mình bảo nó sang bộ phận Kinh doanh mà làm. Nếu bạn muốn rút ngắn con đường trưởng thành lại. Mình nói thật, làm sale là một trong những con đường nhanh nhất. Không dưới 10 lần khi gọi điện cho nó lúc 9h mà nó báo vẫn ở văn phòng chưa về. Bố mẹ đã bảo mình “con ơi em vất vả quá”, nhưng mình chỉ đáp lại: Kệ nó. Làm sale đương nhiên là cũng có tiền hơn. Anh chàng cũng tự mua cho mình được điện thoại đời mới. Nhưng quan trọng là mặt dày hơn, chịu áp lực tốt hơn. Biết sắp xếp cuộc sống hơn để vừa làm vừa học, biết xử lý tình huống đâu ra đấy. Mình không còn thấy nó “sợ” nhiều thứ nữa.
5 – LÀM Ở CÔNG TY NHỎ TRƯỚC ĐỂ RÈN SỰ LINH HOẠT
Em mình không phải một đứa linh hoạt, giỏi ứng biến. Nếu như bảo nó làm theo một quy trình bài bản nào đấy, thì nó lại làm rất chuẩn mực. Không bị sai rơi vãi như mình, bám đuổi kế hoạch rất ổn, kỷ luật tự thân cũng rất tốt. Nếu vội vàng đưa vào công ty lớn, chuyên môn hóa ngay thì bản chất con người đã thiếu linh hoạt lại càng khó có cơ hội được thử nhiều thứ hơn. Ở công ty nhỏ, bộ máy tinh gọn, quy trình nhanh chóng sẽ là nền tảng tốt để thúc đẩy tốc độ tư duy và năng lực xử lí tình huống. Ở công ty nhỏ thì thu nhập không phải ưu thế vượt trội. Nhưng khi vẫn đang còn được bố mẹ nuôi thì kiếm thêm được đồng nào tốt đồng ấy, không vấn đề gì cả.
6 – SANG CÔNG TY LỚN ĐỂ LÀM SÂU & BÀI BẢN THỨ MÌNH MUỐN
Sau hơn hai năm lăn lộn ở công ty nhỏ, mình bảo với nó rằng đã đến lúc sang công ty lớn để biết đến 2 từ “chuyên nghiệp”. Nó cũng đã tìm ra được đâu làn cái nó thích và muốn theo đuổi. Sang công ty lớn để có cơ hội nhìn tổng thể hơn, nghĩ rộng ra, làm quen với những người có chiều sâu chuyên môn mà học hỏi.
Tựu chung lại, mình kể câu chuyện của em mình để mọi người thấy một điều rằng chỉ cần hiểu rõ bản thân, ta sẽ thiết kế được lộ trình phù hợp. Việc còn lại là quyết tâm theo đuổi nó và không bỏ cuộc. Em mình không phải đứa xuất chúng gì đâu, chỉ là mình sớm nhận ra điểm mạnh điểm yếu, sở trường sở đoản để mỗi bước của nó là một bước đúng và vững thôi.
Nguồn: Thái Hà Nguyễn
KẾT
Nếu bạn cảm thấy chưa hiểu bản thân mình muốn gì? có năng lực gì? nên học ngành nào?, ra làm gì?. Thì bạn có thể rút ngắn quá trình này bằng “Bộ tích hợp công cụ chẩn đoán cá nhân Công nghệ Diagnosis Hub” giúp bạn thấu hiểu bản thân – làm chủ vận mệnh. Hoặc bạn có thể đăng ký Tư vấn Định hướng nghề nghiệp miễn phí cùng chuyên gia.