Hiện nay, bởi vì nhu cầu cần được chăm sóc khỏe đang ngày một gia tăng, do đó, số lượng nhà thuốc tây mới được mở ra cũng từ đó mà tăng theo. Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra khi chuẩn bị mở quầy thuốc tây đó là liệu bằng trung cấp dược sĩ có mở được quầy thuốc hay không. Hãy cùng bài viết này giải đáp câu hỏi này, cũng như là tìm hiểu thêm các thông tin về quy định mở nhà thuốc, quầy thuốc tại Việt Nam.
I. Phân biệt nhà thuốc và quầy thuốc
Điểm giống nhau của nhà thuốc và quầy thuốc đó là chúng đều là cơ sở kinh doanh dược, và bắt buộc phải thành lập hộ kinh doanh cá thể, doanh nghiệp. Ngoài ra, cả hai hình thức này đều phải làm thủ tục xin giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dược thì mới được hoạt động.
Một điểm chung nữa là dù kinh doanh theo hình thức nào đi nữa, cơ sở kinh doanh dược đều được hưởng các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật khi hoạt động. Và nhà thuốc hay quầy thuốc đều có quyền được quảng cáo, thông tin thuốc, nhưng dưới sự quy định của pháp luật. Ngoài ra, hai loại hình cơ sở kinh doanh dược này đều không được phép bán nguyên liệu làm thuốc, trừ khi nó là dược liệu. Cuối cùng, nếu như đáp ứng đủ điều kiện và yêu cầu, quầy thuốc hay nhà thuốc đều có thể tham gia cấp phát thuốc của bảo hiểm, chương trình hay dự án y tế được đề xuất.
Khi nói về điểm khác nhau giữa nhà thuốc và quầy thuốc thì chúng ta cần xem xét dựa trên 4 yếu tố, bao gồm người phụ trách chuyên môn, địa bàn hoạt động, quyền lợi và nghĩa vụ.
– Người phụ trách chuyên môn: Tại quầy thuốc, quy định về người phụ trách chuyên môn sẽ thoáng hơn. Cụ thể là những người có bằng tốt nghiệp Trung cấp, Cao đẳng hay Đại học ngành Dược đều có khả năng đứng tên phụ trách chuyên môn tại quầy thuốc. Trong khi đó, tại nhà thuốc thì chỉ những người có bằng tốt nghiệp Đại học Dược, hay là bằng Dược sĩ thì mới được chấp nhận.
– Địa bàn hoạt động: Đối với quầy thuốc thì địa bàn hoạt động sẽ là ở xã hoặc thị trấn. Trong trường hợp xã hoặc thị trấn đó vừa được chuyển đổi thành phường, quầy thuốc sẽ được hoạt động nếu như tại đó chưa có đủ một cơ sở bán lẻ thuốc phục vụ cho 2.000 dân. Tuy nhiên, nếu được hoạt động theo trong trường hợp kể trên thì cũng bị giới hạn không quá 3 năm từ khi địa bàn được chuyển đổi lên phường. Trong khi đó, nếu bạn mở nhà thuốc thì địa bàn hoạt động của bạn sẽ không bị giới hạn.
– Quyền lợi: Đối với quầy thuốc thì tại đây có thể diễn ra hoạt động mua và bán lẻ thuốc thuộc Danh mục không kê đơn và Danh mục thuốc thiết yếu, trừ vắc xin. Và sẽ có ngoại lệ được bán thêm một số loại thuốc khác trong trường hợp nhà thuốc được mở tại vùng núi, hải đảo hay vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đối với nhà thuốc thì cơ sở được phép mua nguyên liệu làm thuốc về để pha chế thuốc, sau đó thì bán theo đơn cho dược sĩ. Quá trình này phải được theo dõi chặt chẽ bởi người quản lý chuyên môn về dược tại đây. Ngoài ra, nhà thuốc được phép mua thuốc để bán lẻ, trừ vắc xin, và quá trình bán lẻ thuốc này phải được kiểm soát theo quy định Điều 34 của Luật Dược 2016. Người có bằng tốt nghiệp Đại học ngành Dược tại nhà thuốc có quyền cấp một loại thuốc khác có cùng công dụng, hoạt chất với loại thuốc mà người mua yêu cầu, và phải được sự chấp nhận của họ.
– Nghĩa vụ: Để hoạt động, quầy thuốc phải tuân thủ trách nhiệm theo khoản 2 điều 42 Luật Dược 2016, bao gồm các yêu cầu cơ bản như có giấy phép đăng ký kinh doanh hay là tuân thủ và duy trì các điều kiện kinh doanh. Còn đối với nhà thuốc thì tại đây duy trì được hoạt động dược lâm sàng dựa theo nội dung quy định thuộc các khoản 2, 3 và 6 của điều 80 Luật Dược 2016 để có thể hợp pháp hóa việc kinh doanh dược. Cụ thể, một số nghĩa vụ mà nhân viên tại nhà thuốc phải làm là tư vấn, cung cấp thông tin của thuốc, theo dõi, giám sát phản ứng có hại của thuốc. Đồng thời trong trường hợp kê đơn không hợp lý thì dược sĩ phải tư vấn, trao đổi với người kê đơn. Ngoài ra, nhà thuốc cũng cần phải đảo được các điều kiện pha chế thuốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
II. Điều kiện để mở nhà thuốc
1. Điều kiện về cơ sở bán lẻ
Nhà thuốc tư nhân được mở phải có địa điểm, khu vực bảo quản, tài liệu chuyên môn kỹ thuật, trang thiết bị bảo quản và nhân sự đáp ứng với chỉ tiêu GPP (Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc) theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 33 Luật Dược 2016.
2. Điều kiện đối với nhà thuốc cần có
Để một nhà thuốc có thể hoạt động được thì cần thỏa mãn một số điều kiện sau:
– Đầu tiên, nhà thuốc phải có được giấy phép đăng ký kinh doanh do Ủy ban Nhân dân Quận/Huyện hoặc Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp.
– Thứ hai, nhân viên hoạt động trong nhà thuốc cần có chứng chỉ hành nghề Dược được cấp bởi Bộ Y tế. Nhân viên cần phải đáp ứng một trong các điều kiện dưới đây thì mới có thể nhận được chứng chỉ Dược cá nhân:
+ Tốt nghiệp Đại học các ngành: Y đa khoa, Dược, Y học cổ truyền, Sinh học, Hóa học, Dược học cổ truyền,…
+ Tốt nghiệp Cao đẳng các ngành: Y, Y học cổ truyền, Dược, Dược học cổ truyền,…
+ Tốt nghiệp Trung cấp Dược.
+ Có chứng chỉ sơ cấp Dược; giấy chứng nhận hoặc văn bằng bài thuốc gia truyền; giấy chứng nhận về lương Dược, lương Y; các loại giấy chứng nhận, chứng chỉ khác về Y Dược được cấp trước khi bộ Luật Dược có hiệu lực (được thông qua ngày 10/04/2016).
– Thứ ba, nhà thuốc cần có giấy chứng nhận đủ Điều kiện kinh doanh dược phẩm.
3. Điều kiện đối với cá nhân chịu trách nhiệm chuyên môn tại nhà thuốc
Các nhà thuốc tây muốn hoạt động thì cần có một người chịu trách nhiệm chuyên môn tại nhà thuốc. Dưới đây là một số điều kiện mà cá nhân này phải đạt được:
– Có đầy đủ bằng cấp chuyên môn theo quy định của pháp luật.
– Có ít nhất 2 năm kinh nghiệm thực hành tại các cơ sở chuyên môn về thuốc.
– Có đủ năng lực hành vi dân sự và sức khỏe cho vị trí này.
– Không trong thời gian bị cấm hành nghề hoặc vi phạm pháp luật.
– Hiểu và cam kết có thể thực hiện được các quy chế Dược và các bộ luật liên quan đến sức khỏe.
– Mức vốn ít nhất phải có là 100 triệu trở lên.
Tuyển dụng ngành Dược có thể bạn quan tâm:
– Dược Sĩ Chuyên Môn Nhà Thuốc An Khang (có CCHN)
– Thực tập sinh ngành dược
III. Điều kiện để mở quầy thuốc
Để mở được Quầy thuốc thì tại đây cần có một người chịu trách nhiệm chuyên môn. Theo khoản 1 điều 13 trong Luật Dược 2016 có đề cập đến điều kiện học vấn của người chịu trách nhiệm chuyên môn như sau:
“Có văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn (sau đây gọi chung là văn bằng chuyên môn) được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam phù hợp với vị trí công việc và cơ sở kinh doanh dược bao gồm:
a) Bằng tốt nghiệp đại học ngành dược (sau đây gọi là Bằng dược sỹ);
b) Bằng tốt nghiệp đại học ngành y đa khoa;
c) Bằng tốt nghiệp đại học ngành y học cổ truyền hoặc đại học ngành dược cổ truyền;
d) Bằng tốt nghiệp đại học ngành sinh học;
đ) Bằng tốt nghiệp đại học ngành hóa học;
e) Bằng tốt nghiệp cao đẳng ngành dược;
g) Bằng tốt nghiệp trung cấp ngành dược;
h) Bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp ngành y;
i) Bằng tốt nghiệp trung cấp y học cổ truyền hoặc dược cổ truyền;
k) Văn bằng, chứng chỉ sơ cấp dược;
l) Giấy chứng nhận về lương y, giấy chứng nhận về lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền hoặc văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận khác về y dược cổ truyền được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực.
Việc áp dụng Điều kiện về văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận quy định tại Điểm l Khoản này do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định phù hợp với Điều kiện phát triển kinh tế – xã hội và nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của Nhân dân ở từng địa phương trong từng thời kỳ.” Ngoài ra, theo Khoản 2 Điều 18 trong Luật dược 2016, người chịu trách nhiệm chuyên môn phải có ít nhất 18 tháng kinh nghiệm thực hành tại các cơ sở kinh doanh thuốc. Cụ thể: “Người chịu trách nhiệm chuyên môn về dược của quầy thuốc phải có một trong các văn bằng chuyên môn quy định tại Điểm a, e hoặc g Khoản 1 Điều 13 của Luật này và có 18 tháng thực hành chuyên môn tại cơ sở dược phù hợp.”
Nếu như bạn đáp ứng được tất cả tiêu chí trên thì bạn có thể bắt tay vào việc xin cấp phép cho quầy thuốc của mình rồi đấy!
IV. Thủ tục mở quầy thuốc
Các thông tin về thủ tục mở quầy thuốc được đề cập trong quy định tại Điều 32 và Điều 33 Nghị định 54/2017/NĐ-CP. Tại Điều 38 của Luật dược 2016 thì có đề cập đến Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược.
Cụ thể, mẫu đơn cần được lấy từ mẫu 19, 20 và 21 của Phụ lục I đi kèm với Nghị định này. Ngoài ra, theo Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 38 của Luật dược 2016 thì các cơ sở này cần cung cấp một số tài liệu kỹ thuật như sau:
– Đối với cơ sở bán lẻ thuốc:tài liệu về địa điểm, khu vực bảo quản, trang thiết bị bảo quản, nhân sự và tài liệu chuyên môn kỹ thuật theo nguyên tắc GPP (Thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc).
– Đối với cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền:tài liệu chứng minh việc đáp ứng quy định tại khoản 5 Điều 31 của Nghị định 54/2017/NĐ-CP theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
V. Trình tự cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược
1. Nộp hồ sơ
Đối với các cơ sở đang có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược thì cần gửi hồ sơ về Sở Y tế thuộc tỉnh mà cơ sở kinh doanh chuẩn bị hoạt động.
2. Trả phiếu tiếp nhận hồ sơ
Sau khi tiếp nhận hồ sơ theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 54/2017/NĐ-CP, Sở Y tế sẽ trả lại hồ sơ cho người gửi.
3. Thẩm định hồ sơ
Thời gian để Sở Y tế xem xét hồ sơ đó là 10 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ. Ngoài ra, cơ sở có thể nhận được giấy báo đề nghị các nội dung các sửa đổi hay bổ sung trong hồ sơ của bạn trong trường hợp hồ sơ không đạt yêu cầu.
4. Đánh giá thực tế (nếu cần)
20 ngày là thời hạn để cho tổ chức đánh giá thực tế tại cơ sở đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, nếu như cần thiết. Lưu ý rằng thời gian này được tính kể từ ngày được ghi trên phiếu tiếp nhận hồ sơ mà cơ sở nhận được.
Nếu sau khi được kiểm tra mà không đạt các yêu cầu để thực hiện kinh doanh dược, Sở Y tế tại địa phương sẽ gửi cho cơ sở kinh doanh văn bản thông báo về các nội dung cần phải sửa chữa, khắc phục trong vòng 5 ngày làm việc. Thời gian này được tính kể từ ngày hoàn thành việc đánh giá thực tế tại cơ sở nhận được yêu cầu sửa chữa, khắc phục.
5. Cấp giấy chứng nhận
Nếu như không còn yêu cầu sửa chữa, khắc phục thì cơ quan sẽ cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược cho cơ sở. Và khoảng thời gian để cơ sở nhận được đo là trong thời hạn 10 ngày làm việc, tính từ ngày hoàn thành quy trình đánh giá thực tế tại cơ sở kinh doanh dược.
VI. Một số câu hỏi thường gặp
1. Bằng trung cấp dược sĩ có được mở nhà thuốc hay không?
Câu trả lời cho câu hỏi này là không. Hiện nay, để mở nhà thuốc thì đòi hỏi người phụ trách chuyên môn phải có bằng dược sĩ, hay dễ hiểu hơn là tốt nghiệp Đại học ngành Dược. Dược sĩ trung cấp chỉ có thể mở quầy thuốc, thay vì là nhà thuốc.
2. Trung cấp dược sĩ cần có kinh nghiệm bao lâu thì mới mở được quầy thuốc?
Để dược sĩ trung cấp có thể mở được quầy thuốc thì đòi hỏi người đó cần 18 tháng kinh nghiệm làm việc tại các cơ sở kinh doanh thuốc. Con số này sẽ tăng lên là 2 năm để mở nhà thuốc nếu như bạn có bằng dược sĩ (tốt nghiệp đại học).
Nếu như bạn đang có nhu cầu tìm việc làm để lấy kinh nghiệm trước khi tự mở nhà thuốc tư nhân thì có thể ứng tuyển ngay vào vị trí Dược sĩ bán thuốc tại nhà thuốc An Khang. Tại đây bạn sẽ được làm việc trong các nhà thuốc đạt chuẩn GPP, thuộc Tập đoàn Bán lẻ hàng đầu Việt Nam. Song song đó, bạn còn nhận được nhiều chế độ đãi ngộ hấp dẫn trong quá trình làm việc cũng như được hướng dẫn và đào thêm các kiến thức chuyên môn trong ngành dược.
3. Cần bằng cấp gì để có thể bán thuốc tây?
Có hai khái niệm thường mọi người hay nhầm lẫn với nhau, đó là quầy thuốc và nhà thuốc. Đối với quầy thuốc thì người phụ trách chuyên môn tại đây chỉ cần có bằng tốt nghiệp ngành Dược ở bậc Trung cấp, Cao đẳng hoặc Đại học là được. Trong khi đó, để mở nhà thuốc thì đòi hỏi bằng Đại học trở lên.
Xem thêm:
– Dược tá là gì? Nên theo đuổi ngành dược tá hay dược sĩ
– Dược sĩ lâm sàng là gì? Vai trò của dược sĩ lâm sàng bệnh viện
– Dược sĩ chuyên khoa 1 là gì? Yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn
Hy vọng bài viết này đã giải đáp được câu hỏi “Bằng trung cấp dược sĩ có được mở quầy thuốc hay không?”. Nếu như thấy bài viết này hữu ích, đừng quên chia sẻ nó đến bạn bè của bạn nhé!