Bạn đang theo dõi bài viết Ngành Công nghệ thực phẩm là gì? Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp tại ivntalent.edu.vnBạn có thể truy cập nhanh bằng mục lục của bài viết để có thể xem thông tin mình cần nhanh chóng nhất nhé.
Ngành công nghệ thực phẩm đang là ngành được rất nhiều các bạn trẻ hiện nay quan tâm. Do sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực chế biến nông sản và thủy sản nên nhân lực có hiểu biết và chuyên môn là điều rất cần thiết, cũng vì vậy mà ngành công nghệ thực phẩm trở thành một ngành học có rất nhiều triển vọng. Để tìm hiểu về ngành công nghệ thực phẩm, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!
I. Tìm hiểu ngành Công nghệ thực phẩm là gì?
1. Công nghệ thực phẩm là gì?
Công nghệ thực phẩm có tên tiếng anh là Food Technology, bao gồm các lĩnh vực như bảo quản, chế biến nông sản; kiểm tra và đánh giá chất lượng chế biến và chất lượng thực phẩm; nghiên cứu sản phẩm mới, nguyên liệu mới; vận hành dây chuyền sản xuất thực phẩm. Công nghệ thực phẩm được ứng dụng trong tất cả lĩnh vực liên quan đến ăn uống.
2. Ngành Công nghệ thực phẩm là gì?
Ngành Công nghệ thực phẩm là ngành đào tạo chuyên về các lĩnh vực liên quan đến thực phẩm như cách bảo quản, chế biến, kiểm tra, đánh giá chất lượng thực phẩm. Ngoài ra ngành Công nghệ thực phẩm còn đảm nhận vai trò nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới, vận hành dây chuyền sản xuất – bảo quản hay tạo nguyên liệu mới trong lĩnh vực thực phẩm hoặc dược phẩm, hóa học,…
3. Ứng dụng của ngành công nghệ thực phẩm trong đời sống
Ngành Công nghệ thực phẩm được ứng dụng đa dạng trong đời sống. Bởi, tất cả những gì liên quan tới việc ăn uống, thực phẩm, an toàn vệ sinh đều có thể ứng dụng kiến thức của ngành học này, tiêu biểu như: Cải thiện chất lượng đời sống và sức khỏe của cộng đồng; Cải thiện chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, nâng cao giá trị nông sản; Thúc đẩy xuất khẩu, góp phần phát triển nền kinh tế đất nước; Cung cấp đa dạng sản phẩm, tăng nguồn dinh dưỡng và đáp ứng nhu cầu của người dân bản địa dẫn du khách nước ngoài.
Tin tuyển dụng có thể bạn quan tâm – việc làm kỹ sư nông nghiệp:
– Chuyên Viên Hỗ Trợ Sản Xuất 4K Farm
– Kỹ Sư Nông Nghiệp 4K Farm Bách Hóa Xanh
– Việc làm công nghệ thực phẩm
II. Xu hướng học ngành Công nghệ thực phẩm
1. Mục tiêu đào tạo
Ngành Công nghệ thực phẩm sẽ đào tạo, trang bị cho sinh viên các kiến thức nền tảng và chuyên sâu về hóa học và sinh học; nguyên liệu chế biến và quy trình phân tích, đánh giá chất lượng thực phẩm; phương pháp chế biến thực phẩm; vệ sinh an toàn thực phẩm, tối ưu hóa dinh dưỡng trong thực phẩm…
Ngoài ra ngành Công nghệ thực phẩm còn đào tạo cho sinh viên các kỹ năng thực hành tổ chức, quản lý (công nghệ, kỹ thuật, chất lượng sản phẩm) và điều hành sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm và nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt, vận hành dây chuyền sản xuất.
Theo học ngành Công nghệ thực phẩm, các bạn sinh viên sẽ được học tập trong phòng thí nghiệm hiện đại, được đào tạo từ lý thuyết đến thực hành, các kiến thức cơ bản về toán học và khoa học tự nhiên, tập làm quen với các công việc đánh giá mức độ vệ sinh an toàn thực phẩm, phân tích thực phẩm, thực hành làm các quy trình công nghệ chế biến, sản xuất, bảo quản thực phẩm… Ngoài ra thông qua các chuyến đi trải nghiệm thực tế cho sinh viên ngành Công nghệ thực phẩm tại các nhà máy, khu công nghiệp thì sinh viên có thể tích lũy thêm kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuyên môn cho bản thân.
2. Chương trình đào tạo
Dưới đây là một số môn học chuyên ngành của ngành Công nghệ thực phẩm sẽ được giảng dạy trong chương trình đào tạo của ngành ở chương trình Đại học:
– Phân tích thực phẩm
– Phát triển sản phẩm
– Công nghệ sau thu hoạch
– Công nghệ sinh học thực phẩm
– Công nghệ chế biến thực phẩm
– Vi sinh vật học thực phẩm
– Hoá sinh học thực phẩm
– Quản lý chất lượng
– An toàn thực phẩm
– Dinh dưỡng
– Thực phẩm chức năng
– Thiết kế công nghệ và nhà máy thực phẩm
– Quản lý chuỗi cung ứng và truy nguyên nguồn gốc thực phẩm
– Công nghệ sản xuất/chế biến rượu, bia, nước giải khát; rau quả; dầu thực vật; đường, bánh, kẹo; thịt, trứng, thủy sản; trà, cà phê, ca cao; lương thực, nước chấm, gia vị…
III. Tố chất phù hợp với ngành Công nghệ thực phẩm
– Tư duy sáng tạo: Nhằm tạo ra cái mới trong việc sản xuất các sản phẩm nên tư duy sáng tạo là yếu tố cần thiết với ngành Công nghệ thực phẩm.
– Có khả năng phân tích: Do đây là ngành có liên quan đến yếu tố nghiên cứu nên bạn cần phải có khả năng phân tích để xâu chuỗi, tập hợp các kết quả nghiên cứu, kiểm định để đưa ra kết luận chính xác về các vấn đề trong nghiên cứu nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm.
– Đam mê công nghệ và nghiên cứu: Đây là ngành chủ yếu sử dụng công nghệ và nghiên cứu. Vì vậy bạn cần phải có đam mê về công nghệ và nghiên cứu thì mới không cảm thấy chán nản khi theo học và làm việc ở ngành này.
– Nắm bắt nhạy bén tâm lý tiêu dùng: Bạn cần phải có kỹ năng nắm bắt tâm lý người tiêu dùng qua đó tạo ra các sản phẩm phù hợp với thị hiếu người dùng.
– Làm việc cẩn thận, tỉ mỉ, trách nhiệm cao: Vì đây là công việc liên quan đến sức khỏe của người dùng cho nên bạn phải làm việc tỉ mỉ, đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt nhất cho người dùng.
– Quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ ăn uống: Sự yêu thích, quan tâm sẽ là yếu tố giúp bạn thành công trong công việc. Bạn cần phải yêu thích và quan tâm đến lĩnh vực thực phẩm ăn uống thì mới có thể hoàn thành thử thách mà ngành Công nghệ thực phẩm mang lại.
IV. Triển vọng nghề nghiệp ngành Công nghệ thực phẩm
1. Mức lương ngành Công nghệ thực phẩm
Vì cơ hội việc làm trong ngành Công nghệ thực phẩm rất đa dạng nên mức lương trong ngành cũng tương đối cao hơn so với những ngành học khác. Đối với sinh viên mới tốt nghiệp chuyên ngành công nghệ thực phẩm phải làm ở những vị trí cơ bản sẽ có được mức lương khởi điểm từ 4 – 6 triệu đồng/tháng. Còn đối với những bạn đã có từ 3 – 5 năm kinh nghiệm sẽ có mức lương từ 7 – 10 triệu đồng/tháng. Và với những bạn đã có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên, dựa vào năng lực và kỹ năng cá nhân mà mức lương có thể lên đến 50 – 70 triệu đồng/tháng.
2. Cơ hội việc làm ngành Công nghệ thực phẩm
Vấn đề về công nghệ thực phẩm càng trở nên quan trọng trong nhu cầu phát triển chung của ngành do Việt Nam đang là một đất nước có sản lượng nông sản, thủy hải sản xuất khẩu ra thị trường thế giới khá lớn và ngày càng phát triển. Theo khảo sát nhu cầu việc làm thì ngành công nghệ thực phẩm đứng thứ 2 trong top những ngành cần lao động nhất Việt Nam vào khoảng năm 2015 – 2025. Bạn có thể tìm kiếm cơ hội việc làm trong các công ty sản xuất thực phẩm, thiết bị thực phẩm hoặc các tập đoàn lớn trong lĩnh vực thực phẩm như: URC, Tân Hiệp Phát, Vinamilk, Kinh Đô, Vifon, Acecook, MaSan,…
Thời gian thử việc đối với nhân viên trong ngành Công nghệ thực phẩm thường diễn ra trong vòng 2 tháng dựa theo quy định của Luật Lao động. Tuy nhiên, dựa vào kinh nghiệm của ứng viên cũng như quy định riêng của doanh nghiệp, cơ sở mà ứng viên và nhà tuyển dụng có thể thỏa thuận rút ngắn hoặc kéo dài thời gian thử việc.
Làm việc gì cũng gặp phải thách thức và ngành Công nghệ thực phẩm cũng vậy. Để không bị lùi bước trước thời thế bạn cần nâng cao chất lượng, kiến thức và khả năng trong ngành của bản thân. Nếu không thể nâng cao chất lượng làm việc của bản thân bạn sẽ dễ dàng bị đào thải và nhường đường cho những người khác. Dưới đây là một số vị trí làm việc khi theo đuổi chuyên ngành Công nghệ thực phẩm:
– Chuyên viên nghiên cứu phát triển sản phẩm: Người ở vị trí việc làm Chuyên viên nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ có trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các dự án mới.
– Kỹ sư chế biến nông sản: Đây sẽ là vị trí nghiên cứu các quy trình kỹ thuật chế biến nông sản như mục tiêu đề ra, giám sát, hướng dẫn công nhân các quy trình chế biến nông sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nghiên cứu các phương pháp chế biến hiệu quả để cải thiện năng suất.
– Kỹ sư chế biến thuỷ sản: Đây là vị trí chế biến, bảo quản, xử lý các sản phẩm thủy sản một cách an toàn nhất, hiệu quả nhất, và mang lại kinh tế cao nhất.
– Giám sát chất lượng sản xuất: Ở vị trí này bạn sẽ là người theo dõi và giám sát các bước sản xuất và sản phẩm có đạt đủ yêu cầu ở bước sản xuất đó hay không.
– Nhân viên kỹ thuật QC: Là vị trí chịu trách nhiệm theo dõi, đo lường các chỉ tiêu chất lượng của nguyên liệu và các thành phẩm trong các công đoạn sản xuất xem có đạt chất lượng theo yêu cầu hay chưa và xác nhận các kết quả kiểm tra đó.
– Nhân viên kiểm tra chất lượng: Là bộ phận chỉ huy và chịu trách nhiệm toàn bộ về tiêu chuẩn, quy trình kiểm tra để đảm bảo chất lượng sản phẩm.
V. Các trường đào tạo và học phí ngành Công nghệ thực phẩm
1. Tại Hà Nội
– Học viện Nông nghiệp Việt Nam: Học viện Nông nghiệp Việt Nam được thành lập vào năm 1956 là trường đại học chuyên ngành đứng đầu về đạo tạo nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp tại miền Bắc Việt Nam. Trường thuộc nhóm ba mươi trường đại học đứng đầu Đông Nam Á, thuộc nhóm trường đại học trọng điểm quốc gia Việt Nam và trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đây là trường đại học lớn, có bề dày lịch sử đã đào tạo nên rất nhiều khóa sinh viên. Học phí mỗi năm của ngành Công nghệ thực phẩm tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam là 16,7 triệu đồng/năm.
– Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội: Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội hay còn gọi là Đại học Việt Pháp, là trường đại học công lập đạt chuẩn quốc tế được thành lập năm 2009. Trường được xây dựng theo mô hình đại học công lập, do Chính phủ Việt Nam đầu tư với sự hỗ trợ của Chính phủ Pháp, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Liên minh hơn 40 trường đại học cùng các viện nghiên cứu hàng đầu của Pháp vì sự phát triển của USTH. Tại đây mỗi năm trung bình có đến 70% sinh viên năm cuối hệ đại học và học viên hệ thạc sĩ của USTH có cơ hội đi thực tập tại hơn 200 trường đại học, viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm, doanh nghiệp tại 20 quốc gia có nền khoa học và công nghệ phát triển ở các nước phát triển. Học phí ngành Khoa học và Công nghệ thực phẩm tại trường này là 46,6 triệu đồng/năm.
– Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp: Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công Nghiệp là trường đại học công lập định hướng nghề nghiệp ứng dụng, đào tạo cử nhân và kỹ sư hệ chính quy 4 năm, trực thuộc Bộ Công thương Việt Nam và được thành lập năm 2007 đào tạo đa cấp, đa ngành. Trường đề ra mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển chung ở vùng đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung. Trường có đào tạo thạc sĩ ở các ngành như: Công nghệ thực phẩm; Kế toán; Kỹ thuật điện, điện tử. Học phí tại Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp trung bình khoảng 17 triệu đồng/năm.
– Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên: Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên đã tạo nên sứ mệnh cho mình trong việc đào tạo trình độ đại học và sau đại học. Đó chính là nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, phát triển nông thôn, tài nguyên, môi trường tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và sản phẩm khoa học công nghệ có giá trị phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho khu vực trung du, miền núi phía Bắc và cả nước. Học phí ngành Công nghiệp thực phẩm tại trường này là 334.500/tín chỉ.
2. Tại Thành phố Hồ Chí Minh
– Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh được thành lập trên cơ sở Trường Quốc gia Nông Lâm Mục Bảo Lộc và là một trường đại học đa ngành tại Việt Nam, chuyên đào tạo và nghiên cứu nhóm ngành nông – lâm – ngư nghiệp. Tại đây, ngành Công nghệ thực phẩm đang được rất nhiều các bạn sinh viên lựa chọn và theo học. Học phí tại Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh rơi vào khoảng 14,1 triệu đồng/năm.
– Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là một trong 6 Đại học Sư phạm Kỹ thuật của cả nước có đào tạo kỹ thuật lấy ứng dụng làm trọng tâm để giảng dạy, có chức năng đào tạo kỹ sư công nghệ và giáo viên kỹ thuật. Trường đào tạo đa ngành với thế mạnh về đào tạo kỹ thuật, được đánh giá là một trong những trường đại học kỹ thuật hàng đầu về đào tạo khối ngành kỹ thuật tại miền Nam bao gồm ngành Công nghệ thực phẩm. Học phí tại trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh dao động trong khoảng từ 18,5 – 33 triệu đồng/năm.
– Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh thành lập vào năm 1982. Đây là cơ sở giáo dục đại học đào tạo đa lĩnh vực, đa ngành và đa trình độ, có thế mạnh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ thực phẩm. Sứ mạng của trường chính là đào tạo nhân lực có đạo đức, tri thức và kỹ năng đáp ứng yêu cầu của xã hội, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phát triển dịch vụ, có trách nhiệm xã hội, phục vụ cộng đồng và hội nhập quốc tế. Học phí ngành Công nghệ thực phẩm tại đây là 10,4 triệu đồng/năm.
– Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh: Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh là nguồn cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng nghề nghiệp tiếp cận với thực tiễn trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ nhằm tạo ra giá trị vật chất và tinh thần phục vụ cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Học phí tại Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh rơi vào khoảng 27,5 triệu đồng/năm.
VI. Điểm chuẩn ngành công nghệ thực phẩm
STT | Tên trường | Mã ngành | Tổ hợp môn | Điểm chuẩn |
1 | Học viện Nông nghiệp Việt Nam | HVN09 | A00; A01; B00; D07 | 16 |
2 | Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội | 7540101 | A00; A02; B00; D07 | 22 |
3 | Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp | 7540101 | A00; A01; B00; D07 | 21 |
4 | Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên | 7540101 | A00; B00; C02; D01 | 18,5 |
5 | Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh | 7540101 | A00; A01; B00; D08 | 21 |
6 | Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh | 7540101A (Hệ CLC Tiếng Anh) | A00; B00; D07; D90 | 17,5 |
7540101B (Hệ CLC Tiếng Việt) | A00; B00; D07; D90 | 17 | ||
7540101C (Hệ đại trà) | A00; B00; D07; D90 | 20,1 | ||
7 | Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh | 7540101 | A00; A01; D07; B00 | 22,5 |
8 | Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh | 7540101 | A00; B00; D07; D90 | 20 |
Xem thêm:
– Ngành y sĩ là gì? Cơ hội làm việc và yêu cầu đối với người y sĩ tín nhiệm
– Ngành dược sĩ là gì? Công việc và cơ hội nghề nghiệp dược sĩ
– Ngành quản trị nhân sự – Khái niệm, vai trò và các vị trí công việc
Bài viết cung cấp cho bạn đầy đủ các thông tin về ngành Công nghệ thực phẩm. Rất mong bài viết sẽ giải đáp được những thắc mắc của bạn và hẹn gặp lại ở những bài viết sau!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Ngành Công nghệ thực phẩm là gì? Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp do ivntalent.edu.vnsưu tầm. Mong rằng các bạn có những thông tin bổ ích nhé. Mọi thông tin khiếu nại về bản quyền vui lòng liên hệ contact để xử lý nhanh nhất nhé. Cảm ơn các bạn.