Bạn đang theo dõi bài viết Bộ câu hỏi phỏng vấn kế toán thường gặp – Cách trả lời ghi điểm tại ivntalent.edu.vnBạn có thể truy cập nhanh bằng mục lục của bài viết để có thể xem thông tin mình cần nhanh chóng nhất nhé.
Kế toán là một trong số những ngành nghề chưa bao giờ là hết hot tại Việt Nam. Vậy để chuẩn bị thật kỹ và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng về cả thái độ lẫn kiến thức thì bạn cần trang bị cho mình những gì khi tham gia phỏng vấn? Bài viết này sẽ thông tin đến bạn các câu hỏi phỏng vấn kế toán thường gặp khi xin việc, hãy cùng theo dõi nhé!
I. Một số lưu ý khi đi phỏng vấn kế toán
– Tìm hiểu thông tin nhà tuyển dụng: Đối với bất kỳ vị trí ứng tuyển nào, việc đầu tiên bạn cần làm là tìm hiểu thật kỹ thông tin về công ty, tổ chức mà mình muốn nộp đơn xin việc vào. Càng hiểu rõ về môi trường, cách thức hoạt động cũng như những tiêu chí của nhà tuyển dụng sẽ giúp bạn trở nên tự tin, thoải mái và trả lời trau chuốt hơn ở những câu hỏi yêu cầu phải biết ứng biến, xử lý khéo léo.
– Chuẩn bị kiến thức, nghiệp vụ kế toán: Khi tham gia phỏng vấn kế toán, kiến thức chuyên môn là một điều bạn cần chuẩn bị thật kỹ càng. Thêm vào đó, kế toán là một ngành nghề yêu cầu tính chính xác cao, làm việc với nhiều số liệu nên bạn cần chú ý tránh sai sót ở những câu hỏi liên quan đến chuyên môn của mình.
– Thời gian khi đi phỏng vấn: Khi cần tham gia một buổi phỏng vấn, bạn nên lưu ý không được đến muộn nhưng cũng không được đến quá sớm. Thông thường, bạn nên đến sớm hơn giờ hẹn khoảng 15 phút để tránh những tình trạng không mong muốn xảy ra trên đường đi. Tuy nhiên, bạn không nên đi sớm hơn 15 phút vì có thể sẽ gặp phải nhà tuyển dụng đang chuẩn bị cho buổi phỏng vấn và đa phần họ sẽ không thích để ứng viên nhìn thấy công tác chuẩn bị.
– Trang phục khi đi phỏng vấn: Để ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng, bạn cần ăn mặc lịch sự, trang trọng khi tham gia phỏng vấn. Thông thường khi đi phỏng vấn, bạn không cần phải mặc áo sơ mi trắng và quần tây nhưng phải mặc trang phục kín đáo, lịch sự và tuyệt đối không mặc áo thun, quần lửng hay váy quá ngắn.
– Tự tin khi tiếp xúc với nhà tuyển dụng: Một thái độ tự tin, thoải mái khi trả lời phỏng vấn sẽ gây cho nhà tuyển dụng hảo cảm và tạo ấn tượng tốt về bạn ngay từ lần đầu gặp mặt. Khi tham gia vấn đáp, bạn cần tự tin nhìn thẳng vào nhà tuyển dụng để trả lời, tránh nhìn đi nơi khác.
– Chuẩn bị trước phỏng vấn: Nếu lo lắng sẽ gặp phải lỗi sai khi trả lời, bạn có thể thử luyện tập trả lời các câu hỏi cơ bản cùng những cử chỉ, thao tác trước ở nhà để có thể tự tin, thoải mái nhất khi thật sự tham gia phỏng vấn.
– Biểu hiện trong buổi phỏng vấn: Trong buổi phỏng vấn, bạn cần tập trung cao độ, nhìn thẳng vào người phỏng vấn và tránh làm việc riêng. Khi làm việc riêng, nhà tuyển dụng sẽ cảm nhận được sự lo lắng của bạn và có thể đánh giá rằng bạn là người không thật sự chuyên tâm vào công việc, dễ bị xao nhãng, mất tập trung.
– Sau khi kết thúc phỏng vấn: Sau khi kết thúc phỏng vấn chưa phải là lúc bạn ngừng gây ấn tượng tốt về mình với nhà tuyển dụng. Sau khi phỏng vấn xong, bạn nên cúi chào và cảm ơn nhà tuyển dụng một cách chân thành và lịch sự. Tiếp đến, bạn có thể gửi thêm một email để gửi lời cảm ơn vì nhà tuyển dụng đã trao cho mình cơ hội cũng như mong muốn biết được những thiếu sót mà bản thân cần trau dồi. Hành động này của bạn sẽ giúp nhà tuyển dụng cảm thấy bạn là một người tinh tế, cầu toàn và liên tục muốn trau dồi bản thân.
Tìm việc làm, tuyển dụng Kế toán có thể bạn quan tâm:
– Nhân viên Tính chiết khấu và Quản lý công nợ
– Nhân viên Kế Toán Nghiệp Vụ
II. Cách trả lời câu hỏi phỏng vấn kế toán thường gặp
1. Câu hỏi giới thiệu bản thân
– Bạn vui lòng giới thiệu về bản thân và kinh nghiệm làm việc?
Đây là một câu hỏi vô cùng phổ biến, luôn luôn được hỏi khi phỏng vấn. Thông thường, nhà phỏng vấn chỉ hỏi để bắt đầu cũng như kiểm tra lại với các thông tin trong CV mà bạn đã nộp. Với câu hỏi này, bạn cần trả lời đúng trọng tâm và thật chỉn chu, tránh trả lời lan man, dài dòng. Nếu trả lời tốt câu hỏi này, bạn sẽ gây được ấn tượng đầu tốt đẹp trong mắt nhà tuyển dụng, giúp buổi phỏng vấn trở nên thuận lợi hơn.
– Những thành tích nào bạn đã đạt được trong suốt thời gian đi làm?
Với câu hỏi này, bạn cần trả lời đúng sự thật về những chỉ tiêu, thành tựu mà mình đã đạt được nếu đã có kinh nghiệm làm việc. Bạn không nên trả lời bằng những thành tựu không đúng với sự thật, tránh để nhà tuyển dụng kiểm tra lại và gây mất thiện cảm.
– Vì sao bạn muốn chuyển việc?
Đây là một câu hỏi cần bạn phải biết xử lý và trả lời thật khéo léo để vừa hợp tình và hợp lý. Bạn nên tránh đề cập đến các mâu thuẫn, cạnh tranh hay môi trường làm việc tại công ty cũ mà nên chuyển sang các khía cạnh như địa điểm, muốn thay đổi khía cạnh công việc,… Lý do là thông thường các nhà tuyển dụng sẽ không hài lòng nếu gặp những ứng viên nhắc về môi trường làm việc cũ với thái độ tiêu cực.
– Điểm mạnh và điểm yếu của bạn là gì?
Khi được hỏi về ưu và nhược điểm của bản thân, bạn cần tập trung trả lời sao cho phù hợp với vị trí ứng tuyển của mình nhất. Với vị trí kế toán, bạn có thể trả lời những điểm mạnh của mình là có tinh thần trách nhiệm cao, khả năng xử lý vấn đề, xử lý thời gian tốt cùng các kỹ năng khác như kỹ năng viết, đàm phán, thuyết trình,… Về điểm yếu, bạn cần chọn những nhược điểm nào có thể biến thành điểm mạnh, một ví dụ cụ thể là tính cầu toàn, chỉn chu trong công việc. Thêm vào đó, bạn cũng cần thẳng thắn thừa nhận điểm yếu của mình và đề xuất cách tự khắc phục. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng có ấn tượng tốt về bạn và cho thấy bạn là một người trung thực, sẵn sàng học hỏi.
– Bạn có mong muốn gì cho công việc?
Một nhân viên luôn sẵn sàng hỏi hỏi, trau dồi kinh nghiệm là “viên ngọc” mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng cần tìm. Vì thế, với câu hỏi này, bạn có thể trả lời qua những mong muốn như: môi trường làm việc thân thiện, có cơ hội được chứng minh bản thân, muốn được rèn luyện và phát triển bản thân, ổn định trong công việc và được dẫn dắt bởi đội ngũ lãnh đạo xuất sắc,…
– Bạn sẽ làm được gì cho công ty chúng tôi?
Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể đưa ra những thành tích mà bạn đã đóng góp và đạt được thành tựu trong quá khứ có liên quan đến nghề nghiệp kế toán. Điều này sẽ giúp bạn chứng tỏ được năng lực, kinh nghiệm, sự sáng tạo,… trong mắt nhà tuyển dụng. Ngoài ra, bạn cũng có thể cam kết mang lại lợi nhuận cho công ty cũng như chứng tỏ sự nhiệt huyết, yêu nghề và mong muốn gắn bó dài lâu với công ty, tổ chức.
– Bạn quản lý nhân viên như thế nào?
Với những vị trí có cấp bậc cao, yêu cầu phải quản lý nhiều nhân viên thì câu hỏi này có thể sẽ xuất hiện trong buổi phỏng vấn của bạn. Câu trả lời của bạn nên có nhiều hướng, ví dụ như phương pháp quản lý nhân viên của bạn tuỳ vào khả năng và tính cách của nhân viên để cho ra được năng suất làm việc cao nhất có thể nhưng vẫn giữ tinh thần thoải mái cho nhân viên của mình. Tuy nhiên, bạn cũng cần chuẩn bị thêm những câu hỏi khác trong trường hợp nhà tuyển dụng hỏi sâu hơn ở khía cạnh này.
– Làm sao để đảm bảo bạn hay nhân viên của bạn không có phạm sai lầm trong công việc?
Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể đưa ra những phương pháp phân chia công việc hiệu quả, linh động như: không phân chia công việc đa nhiệm cho một nhân viên, luôn tạo checklist để quản lý công việc, báo cáo công việc mỗi ngày,… Việc phân chia công việc và kiểm soát lượng công việc một cách hiệu quả sẽ cho nhà tuyển dụng thấy rằng bạn là một lãnh đạo có tầm nhìn tốt, thông minh và hiệu quả.
– Hãy kể về một trường hợp mà bạn cảm thấy hối tiếc trong cuộc sống/công việc?
Khi trả lời câu hỏi này, bạn cần nêu rõ ràng, ngắn gọn về tình huống và khẳng định rõ mình đã giải quyết tình huống đó như thế nào cũng như đã rút được những kinh nghiệm gì. Hãy cố gắng chứng tỏ rằng mình là người kiên trì và luôn cố gắng giải quyết vấn đề đến cùng, không bỏ lỡ giữa chừng.
– Vì sao bạn nghĩ bạn phù hợp cho vị trí này? Hoặc hãy nêu lý do chúng tôi nên tuyển bạn cho vị trí này?
Hầu hết trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng đều sẽ đặt câu hỏi này cho các ứng viên của mình. Để trả lời, bạn cần khẳng định điều mà bạn đang cần ở công ty cũng như điều mà công ty đang tìm kiếm. Cách tốt nhất để trả lời câu hỏi này chính là bạn nên làm rõ mục tiêu nghề nghiệp của mình để làm nổi bật được sự tương đồng giữa bạn và vị trí mà bạn đang ứng tuyển, giúp nhà tuyển dụng nhìn nhận bạn là một người có tầm nhìn chiến lược, lâu dài.
2. Câu hỏi chuyên môn kế toán
– Theo bạn, đâu là ba kỹ năng của một kế toán giỏi?
Với câu hỏi này, bạn cần lưu ý một điều rằng nhà tuyển dụng đang muốn kiểm tra kiến thức của bạn về ngành kế toán chứ không hỏi bạn đang sở hữu những kỹ năng gì. Tùy vào vị trí mà bạn ứng tuyển, bạn có thể đưa ra câu trả lời phù hợp về kỹ năng của một kế toán giỏi. Thông thường, bạn có thể trả lời bằng các kỹ năng như: giỏi tính toán, có tư duy logic, kỹ năng phân tích, cẩn thận, chi tiết,…
– Bạn đã sử dụng những phần mềm kế toán nào?
Mục đích khi nhà tuyển dụng hỏi câu hỏi này không chỉ đơn thuần là yêu cầu bạn liệt kê những phần mềm mà mình từng sử dụng mà còn có thể đưa ra những câu hỏi sâu hơn như đánh giá độ hiệu quả của từng phần mềm. Trong câu hỏi này, ngoài liệt kê tên thì bạn nên nêu ngắn gọn ưu, nhược điểm của từng phần mềm và đừng quên nhắc đến Excel cùng ERP vì đây là những hệ thống được sử dụng rộng rãi nhất.
– Bạn đã từng làm những báo cáo kế toán, tài chính nào?
Với các câu hỏi liên quan đến tính chuyên môn, bạn cần trả lời trung thực về những báo cáo mình đã thực hiện vì có thể nhà tuyển dụng sẽ hỏi thêm những câu hỏi chi tiết hơn về báo cáo mà bạn đã đề cập.
– Những quy trình kế toán nào bạn đã viết hoặc chỉnh sửa?
Nếu là người đã từng có kinh nghiệm làm việc, đây ắt hẳn sẽ là câu hỏi không quá khó khăn với bạn. Tuy nhiên, nếu chưa có kinh nghiệm, bạn có thể tham khảo những quy trình hiện tại của công ty để nắm rõ được thông tin một cách dễ dàng hơn.
– Theo bạn thì công việc kế toán có những khó khăn nào?
Mỗi công việc đều có những khó khăn riêng. Đối với ngành nghề kế toán, bạn có thể đề cập đến những khó khăn, bất cập khi hệ thống luật pháp nước ta đang thực hiện một số thay đổi về kế toán, thuế,… Thêm vào đó, độ cạnh tranh cao trên thị trường làm yêu cầu của cấp trên về số liệu cũng khá gắt gao, cụ thể và chính xác hơn,…
– Bạn xử lý hóa đơn phát hành sai như thế nào?
Với câu hỏi tình huống này, bạn có thể chia thành nhiều trường hợp để xử lý.
+ Trường hợp đầu tiên là điều chỉnh thông tin bên mua hàng. Nếu hoá đơn đúng mã số thuế, bạn sẽ thực hiện lập biên bản điều chỉnh ghi rõ nội dung sai trước và sau điều chỉnh. Trong trường hợp hoá đơn bị sai mã số thuế, bạn cần lập biên bản điều chỉnh và hóa đơn điều chỉnh ghi rõ nội dung sai trước và sau điều chỉnh.
+ Trường hợp thứ hai bạn có thể đề cập chính là điều chỉnh giá trị hóa đơn. Với trường hợp hàng hóa, dịch vụ đã giao nhưng chưa sử dụng, bạn có thể thực hiện thu hồi hóa đơn đã lập trong cùng tháng hoặc điều chỉnh giảm 100% giá trị hóa đơn khi phát sinh khác tháng. Nếu hàng hóa, dịch vụ đã giao và đã sử dụng, hai bên cần lập biên bản xác nhận trả hàng/dịch vụ và bên mua thực hiện xuất hóa đơn trả hàng/dịch vụ.
+ Một trường hợp khác là lỗi kê khai thiếu, sai số lượng về tình hình sử dụng hóa đơn. Bạn có thể đề xuất giải quyết rằng người nộp thuế cần nộp tờ khai điều chỉnh ngay khi phát hiện hoặc bên bán thay đổi các thông tin trên hóa đơn đã thông báo phát hành trước đó cho cơ quan thuế và thông báo đến khách hàng về các nội dung đã thay đổi.
– Bạn sẽ làm gì nếu bảng cân đối tài khoản không cân?
Về nguyên tắc, bảng cân đối tài khoản bắt buộc lúc nào cũng phải cân. Trong trường hợp bảng cân đối tài khoản không cân, bạn cần kiểm tra lại số dư đầu kỳ mang sang, phát sinh trong kỳ và số dư cuối kỳ xem có thiếu tài khoản mới nào không và có thể dùng Excel kiểm tra làm tròn số thập phân xem có bị sai số hay không.
– Nêu những tình huống khó khăn mà bạn đã gặp phải trong công việc kế toán công nợ và cách xử lý?
Khi được hỏi câu hỏi này, bạn cần nêu lên tình huống cụ thể kèm những con số chi tiết (nếu có thể) mà mình gặp phải và cách mình đã xử lý. Thêm vào đó, bạn cũng có thể đưa ra những bài học mà mình đã rút ra được từ sự cố đó cũng như những kinh nghiệm mà bạn nghĩ rằng mình đã có được sau khi trải qua tình huống.
– Hãy nêu một khó khăn/sự cố kế toán mà bạn đã giải quyết thành công?
Để trả lời câu hỏi này, bạn có thể nhắc đến những khó khăn, thử thách mà mình từng phải đối mặt khi giải quyết vấn đề cùng kết quả cuối cùng là tiết kiệm tiền, giảm rủi ro, giảm phạt,… cho công ty như một số sự cố về hệ thống, sự cố thanh tra thuế,…
– Kiến thức, kỹ năng nào là quan trọng nhất đối với một kế toán trưởng?
Với vai trò một kế toán trưởng, chức vụ này cần phải bảo đảm rằng bộ máy kế toán hoạt động hiệu quả và chính xác. Do đó, người kế toán trưởng cần phải có kiến thức kinh doanh, am hiểu pháp luật và giỏi chuyên môn, đặc biệt là về thuế, giá cả và báo cáo tài chính và chịu được áp lực cao.
III. Tham khảo một số câu hỏi phỏng vấn kế toán có thể gặp
– Mục tiêu nghề nghiệp của bạn trong những năm tới là gì?
– Khả năng ứng dụng tin học của bạn tới mức nào?
– Tại sao bạn lại theo nghề kế toán?
– Nghề kế toán có những điểm nào làm cho bạn hài lòng và không hài lòng?
– Nghề kế toán có điều gì giúp ích cho bạn trong cuộc sống không?
– Bạn hãy cho chúng tôi biết tầm quan trọng của công tác kế toán?
– Bạn ứng tuyển vào vị trí kế toán trưởng vậy bạn có biết soạn thảo quy chế kế toán không? Mục đích của quy chế này là gì? Có cần thiết để có quy chế không?
– Theo bạn, người kế toán có những quyền hạn gì trong công việc của mình?
– Nhiều người cho rằng phần mềm kế toán là con dao hai lưỡi, quan điểm của bạn như thế nào về điều này?
– Bạn biết gì về công ty chúng tôi?
– Sự khác nhau giữa các khoản phải thu (AR) và các khoản phải trả (AP) là gì?
– Khi một công ty sử dụng kế toán kép, yếu tố nào cần cân bằng trong sổ cái?
– Hãy kể tên từ 2-3 ghi chép đặc biệt.
– Nếu một công ty có ba tài khoản ngân hàng để thanh toán, số lượng sổ cái tối thiểu cần là bao nhiêu?
– Bạn đã sử dụng phương pháp nào để ước lượng nợ xấu?
– Tại sao kế toán dễ dàng gian lận bằng cách sử dụng một nhật ký hơn là sổ cái?
– Kinh nghiệm của bạn trong việc phát triển các chỉ số kinh doanh là gì?
– Khi bạn mua một thiết bị cho một công ty, 3 tác động đến báo cáo tài chính là gì?
– Làm thế nào để bạn xác định dữ liệu lớn và tại sao các nhân viên tài chính phải thành thạo điều này?
– Làm thế nào để bạn phân biệt giữa kiểm toán và kế toán?
– Bạn sử dụng tiêu chí nào để đánh giá độ tin cậy của thông tin tài chính bạn nhận được?
– Bảng cân đối kế toán là gì?
– Kế toán kiểm đếm là gì?
– Phương trình kế toán cơ bản là gì?
– Sự khác biệt cơ bản giữa kế toán công và tư là gì?
IV. Tham khảo cách đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng kế toán
Khi đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng, bạn vừa có thể ghi lại ấn tượng tốt trước mặt họ, vừa có thể khẳng định được cá tính của bản thân, giúp nhà tuyển dụng có thể đánh giá khách quan mức độ phù hợp của bạn với công việc ứng tuyển và môi trường, văn hoá công ty. Thêm vào đó, thông qua việc đặt câu hỏi, bạn còn có thể tìm hiểu rõ hơn về văn hoá, quy định của công ty, những đặc thù về vị trí ứng tuyển, mong muốn ứng tuyển của bạn đối với công việc,…
Tham khảo một số câu hỏi mà ứng viên nên đặt cho nhà tuyển dụng
Câu 1: Thông qua tin tuyển dụng, em cũng đã biết đôi chút về công việc của kế toán nội bộ của công ty mình. Anh chỉ có thể nói một cách cụ thể hơn, chi tiết hơn những công việc kế toán nội bộ nếu em trúng tuyển vào vị trí đó sẽ làm được không ạ?
Câu 2: Theo anh chị, yêu cầu mà vị trí kế toán nội bộ của công ty mình cần nhất là gì ạ?
Câu 3: Khi đảm nhận vị trí kế toán nội bộ, công ty mình sẽ có những chế độ đãi ngộ như thế nào đối với vị trí này vậy ạ?
Câu 4: Công ty mình tuyển dụng vị trí kế toán nội bộ là thường xuyên hay thay thế cho ai vậy ạ?
Câu 5: Anh/Chị có thể vui lòng cho em biết về cấu trúc của công ty và phòng tài chính không?
Câu 6: Phần yêu cầu công việc thì em đã đọc trong bản mô tả công việc rồi nhưng anh/chị có thể nhấn mạnh cho em biết kỹ năng nào là đặc biệt cần cho vị trí này? Thử thách lớn nhất đối với vị trí này là gì?
Câu 7: Hiện công ty đang sử dụng hệ thống gì cho việc ghi nhận và quản lý số liệu? Hệ thống này có toàn diện từ đầu cuối không? (Từ công đoạn lập kế hoạch đến thu tiền)
Câu 8: Hiện tại công ty có ban hành các quy trình, chính sách để kiểm soát hoạt động kinh doanh và hướng dẫn công việc không?
Câu 9: Chế độ thăng tiến trong công việc của công ty mình như thế nào?
Câu 10: Mong đợi lớn nhất của công ty dành cho vị trí này trong năm đầu tiên là gì?
Xem thêm:
– Hạch toán kế toán là gì? Cách định khoản hạch toán trong kế toán
– 7 nguyên tắc kế toán cơ bản và quan trọng cần nắm vững
– Tuyển tập bài test và bộ câu hỏi phỏng vấn IT thường gặp
Trên đây là bài viết về bộ câu hỏi phỏng vấn kế toán thường gặp cùng cách trả lời giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng. Hy vọng bài viết mang lại cho bạn thêm thông tin cũng như biết rõ hơn về xu hướng việc làm hiện nay. Hãy để lại bình luận và chia sẻ bài viết đến nhiều người hơn nếu bạn cảm thấy những thông tin này bổ ích nhé!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết Bộ câu hỏi phỏng vấn kế toán thường gặp – Cách trả lời ghi điểm do ivntalent.edu.vnsưu tầm. Mong rằng các bạn có những thông tin bổ ích nhé. Mọi thông tin khiếu nại về bản quyền vui lòng liên hệ contact để xử lý nhanh nhất nhé. Cảm ơn các bạn.